Người lao động trong một nhà máy ở Ansan, Hàn Quốc

Hàn Quốc giảm giờ làm việc “bất hợp lý”

Người lao động Hàn Quốc mỗi năm làm việc 2.069 giờ, cao thứ 2 trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chỉ sau Mexico. Ở Mỹ, con số này là 1.783 giờ. Giờ làm việc kéo dài ở Hàn Quốc song hành với nền kinh tế bùng nổ của nước này trong những năm 1980-1990. Nhưng trong suốt thời gian những giờ làm việc đó, năng suất lao động của Hàn Quốc thấp, tăng trưởng dân số cũng thấp, và Hàn Quốc trở thành nước có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Vì vậy, trong tuần này, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua 1 dự luật nhằm khôi phục chất lượng cuộc sống, bằng cách cắt giảm giờ làm việc tối đa mỗi tuần từ 68 xuống 52 giờ. Theo luật sửa đổi được thông qua hôm 28.2, thời gian làm việc hàng tuần tại Hàn Quốc kéo dài 40 tiếng chính thức và tối đa 12 tiếng làm thêm. Lao động dưới 18 tuổi bị giới hạn làm việc tối đa 35 tiếng/tuần, và chỉ có 5 ngành trong đó có vận tải và y tế, sẽ được miễn giới hạn mới.

“Trong nhiều năm, chúng tôi đã bỏ qua thủ phạm thực sự của vấn đề, đó là bất bình đẳng về giới tính và thời gian làm việc kéo dài bất hợp lý” - Bộ trưởng Bộ Gia đình Chung Hyun Back nói với AFP. Một khảo sát gần đây cho thấy, 68% sinh viên nữ trong trường đại học có ý định kết hôn, so với 80% nam sinh. Hàn Quốc cũng có khoảng cách lớn về thu nhập theo giới tính.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo lắng, việc giảm giờ làm có thể dẫn đến giảm lương của người lao động. “Giờ làm việc ngắn hơn là cần thiết vì hạnh phúc, nhưng cũng cần được thảo luận cùng với cách thức tăng năng suất lao động” - Kim Tai-gi, giáo sư kinh tế tại Đại học Dankook ở Jukjeon - nói với Bloomberg. “Không có năng suất cao hơn sẽ dẫn đến tác dụng phụ như, giảm thu nhập của người lao động và tăng gánh nặng chi phí cho người sử dụng lao động”.

Giảm giờ làm là 1 cam kết trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Moon Jae-in vào năm ngoái. Ông Moon cũng thúc đẩy mức lương tối thiểu tăng thêm 16%, 1 động thái được người lao động có lương thấp và công đoàn hoan nghênh, nhưng theo một số báo cáo, việc này đã khiến một số chủ doanh nghiệp phải sa thải nhân viên.

“Tình trạng làm việc quá mức không được phép kéo dài trong xã hội chúng ta. Không thể có cuộc sống hạnh phúc khi làm việc kéo dài và quá sức trở thành thông lệ. Chính phủ sẽ chú trọng vào giảm giờ làm và đảm bảo rằng, mọi người có thể kết thúc công việc đúng giờ” - ông Moon Jae-in nói hồi tháng Giêng. Ông hứa hẹn, chính phủ sẽ cùng gánh vác trách nhiệm chăm sóc trẻ em bằng cách, cho cha mẹ các bé dưới 5 tuổi 1 khoản trợ cấp hàng tháng và thành lập 450 nhà mẫu giáo mới. “Chính phủ sẽ cố gắng phấn đấu để xây dựng 1 xã hội nơi người phụ nữ có thể theo đuổi những giá trị của riêng mình khi họ kết hôn, sinh con và nuôi dạy con cái” - ông Moon Jae-in từng cam kết.

Nhật Bản nhượng bộ

Trong khi đó, ở nước láng giềng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa phải từ bỏ kế hoạch cải cách luật lao động chủ chốt nhằm tăng năng suất sau khi thừa nhận rằng, dữ liệu được sử dụng để phục vụ cho việc thay đổi bị phát hiện có sai sót.

Thủ tướng Abe đã cam kết thông qua gói cải cách luật lao động để tăng tính linh hoạt của thị trường và cho phép phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn - một phần cốt lõi trong học thuyết kinh tế Abenomic. Nhưng, sau nhiều tuần bảo vệ những cải cách về luật trước phe đối lập, chính phủ thừa nhận, một số dữ liệu hỗ trợ có sai sót. Ngày 1.3, ông Abe cho biết, đã bỏ một trong những phần gây tranh cãi nhất của gói cải cách.

Những thay đổi trong luật lao động có thể mở rộng hệ thống “lao động tùy ý”, nơi nhân viên được xem là những người làm việc theo một số giờ nhất định và được trả 1 mức lương cố định, bất kể họ làm việc thực sự trong bao lâu. Dữ liệu sai sót chủ yếu liên quan đến khía cạnh này. “Chúng tôi quyết định gỡ bỏ mọi yếu tố liên quan đến lao động tùy ý khỏi dự thảo luật vào thời điểm này, và để Bộ Lao động nắm bắt tình hình thực tế một lần nữa sau đó sẽ bàn thảo lại” - Reuters dẫn lời Thủ tướng Abe phát biểu tại Ủy ban Ngân sách Thượng viện.

Thủ tướng Abe lên nắm quyền vào tháng 12.2012 với cam kết, khôi phục nền kinh tế bằng 3 mũi nhọn của học thuyết Abenomics, bao gồm chính sách tiền tệ nới lỏng, chi tiêu tài chính và cải cách cơ cấu. Giới phê bình nói rằng, ông tụt hậu ở phần thứ 3 của chương trình nghị sự này là cải cách cơ cấu. “Về mặt kinh tế, cải cách lao động sẽ là yếu tố cốt lõi của cuộc cách mạng năng suất mà ông ấy sẽ làm” - Jesper Koll, giám đốc quỹ WisdomTree Japan nói. “Khi bạn hỏi còn gì nữa không thì câu trả lời là không”.

Một phần khác của gói cải cách sẽ mở rộng các loại công việc có tay nghề cao và được trả lương cao không hạn chế thời gian làm việc. Hiện tại, những thay đổi này vẫn được giữ nguyên, nhưng cũng đã đối mặt với những cuộc tấn công tương tự. Một số thành viên Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe cũng ủng hộ bỏ điều khoản này. “Ông Abe đang cố xoay xở theo cách mà ông ấy có thể đổ lỗi cho các quan chức Bộ Lao động, nhưng thực tế là ông ấy bị buộc phải từ bỏ một trong những phần trung tâm của gói cải cách mà ông ấy đã cam kết, và điều đó sẽ gây ra hậu quả lớn hơn là việc ông ấy chấp nhận vào thời điểm này” - ông Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia nói. “Điều đó sẽ không chấm dứt sự phản đối, săm soi và chỉ trích của truyền thông”.

Ông Abe cũng bao gồm trong dự luật sửa đổi 1 giới hạn pháp lý về thời gian làm thêm 100 giờ mỗi tháng - nỗ lực để chấm dứt hiện tượng “karoshi” - chết vì làm việc quá sức. Một luồng ý kiến cho rằng, quy định hạn chế về giờ làm thêm sẽ bảo đảm được sức khỏe của người lao động, trong khi một số nhà kinh tế nói, điều này sẽ làm giảm tính linh hoạt trong quản lý.

Theo Lao động