Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang,
 phát biểu tại tổ sáng 22/5

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, sáng 22/5 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Phát biểu tại tổ 7 (gồm đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Giang, Bình Dương, Phú Thọ), Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng, chủ trương tinh giản biên chế là rất đúng, tuy nhiên bên cạnh việc thực hiện cũng cần lường trước và đánh giá tác động. Cụ thể như tỉnh giản 10% biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập và chủ trương giảm ở những khu vực phục vụ thì sẽ có nhiều tác động tới lao động nữ.

Chủ tịch Hội LHPNVN khẳng định: Vấn đề đặt ra là “Chúng ta cần có những chính sách như thế nào để sau khi tinh giản biên chế có những hỗ trợ các lao động thuộc đối tượng bị tinh giản, bao gồm cả nam và nữ”, trong đó, lao động nữ chắc chắn sẽ có những thiệt thòi, bất lợi hơn. Qua các chính sách hỗ trợ đặc thù thế nào để tạo điều kiện cho họ có cơ hội, điều kiện tiếp cận với việc làm mới.

Ông Bùi Minh Châu, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, cho biết, riêng tỉnh Phú Thọ, số viên chức trên 30 ngàn người, trong đó viên chức thuộc ngành y tế, giáo dục chiếm tới 96%. Bài toán đặt ra là tinh giản biên chế giáo dục khiến thiếu giáo viên, số học sinh phải dồn vào chung lớp sẽ phải tăng lên gấp đôi, trong khi hoạt động xã hội hóa giáo dục lại chưa đạt kết quả. Ông Bùi Minh Châu đề nghị Chính phủ cần xem xét thật thấu đáo về tinh giản biên chế của ngành giáo dục với lộ trình cụ thể, để có chính sách tinh giản biên chế thật hợp lý.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục hiện có 1,2 triệu người trên tổng số 2,3 triệu người trong biên chế sự nghiệp của cả nước (chiếm 52%). Ngành chiếm 70% ngân sách cho quỹ lương khối sự nghiệp. Ngành dùng tới 80% ngân sách Nhà nước phân chỉ để trả lương cho đội ngũ này.

Trước đó, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu quan điểm: Thực hiện đề án Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, cải cách bộ máy hành chính nhà nước, tinh giản biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. “Đây là nguồn cơ bản để cải cách chính sách tiền lương. Không tinh giản được biên chế, sắp xếp lại bộ máy thì không thể cải cách được chính sách tiền lương”, ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Lợi cho biết thêm, tất cả các cơ quan công lập phải thực hiện theo khoán kết quả đầu ra, cụ thể như ngành y tế, giáo dục… Tuy nhiên, với ngành giáo dục, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: Giáo viên phổ thông cơ sở thì cơ bản vẫn phải có biên chế và tùy theo số lượng học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo để đưa giáo viên về. Nếu không có biên chế cho giáo viên về các vùng này thì ai sẽ chịu về để giảng dạy?

Còn các trưởng Đại học, Cao đẳng, Cao đẳng nghề, “dứt khoát là phải chuyển sang đơn vị sự nghiệp có thu, dần dần chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Trong đó phân ra một số loại như tự chủ hoàn toàn về biên chế, tổ chức bộ máy, tiền lương, tự chủ một phần có sự hỗ trợ của Nhà nước…


Theo Phunuviietnam.vn