Trong 3 năm gần đây, số lao động Việt Nam đi làm việc tại Arab Saudi tăng đáng kể. Bình quân mỗi năm có 4.000 lao động được đưa đi, nâng tổng số lao động sang làm việc tại thị trường này lên hơn 20.000 người. Tuy nhiên, do lao động giúp việc gia đình là loại hình công việc đặc thù nên dễ xảy ra tình trạng người lao động bị lạm dụng sức lao động.
Lao động đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh minh họa)
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Hiện nay, Việt Nam có 50 doanh nghiệp có chức năng đưa lao động sang làm việc tại Arab Saudi, trong đó có 25 doanh nghiệp đưa lao động sang giúp việc gia đình tại thị trường này. Người lao động sang Arab Saudi chủ yếu làm việc chủ yếu trong các ngành nghề như: Xây dựng, nhà máy, vận tải (14.000 người), giúp việc gia đình gần (6.900 người), với thu nhập bình quân từ 400 đến 600 đôla/tháng, được cung cấp miễn phí chỗ ở, 3 bữa ăn/ngày, được mua bảo hiểm y tế và tai nạn lao động. Đối với lao động giúp việc gia đình thì được chủ sử dụng chịu chi phí xuất cảnh (vé máy bay, tiền dịch vụ), phí đào tạo, khám sức khỏe v.v… và thu nhập 410 USD/tháng. Tuy nhiên, thời gian qua một số lao động sang giúp việc gia đình tại Arab Saudi đã phải làm việc trong điều kiện không như hợp đồng đã ký trước khi đi, bị ngược đãi, bị lạm dụng sức lao động...
Để giải quyết tình trạng này, Bộ LĐ-TB và XH đã triển khai biện pháp chấn chỉnh hoạt động đưa lao động sang giúp việc gia đình tại Arab Saudi, đồng thời quy định chặt chẽ hơn điều kiện hợp đồng, giám sát và kiểm tra công tác tuyển chọn, đào tạo người lao động của các doanh nghiệp trước khi đưa đi.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Doãn Mậu Diệp cho biết: “Trong thời gian vừa qua, tại thị trường Arab Saudi đã phát sinh một số vụ việc đối với người giúp việc gia đình. Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp phối hợp với Đại sứ quán và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Arab Saudi kiểm tra, xử lý. Do lao động giúp việc gia đình là loại hình công việc đặc thù, làm việc trong môi trường khép kín nên dễ xảy ra tình trạng lạm dụng sức lao động.
Bộ đã ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động đưa lao động gia đình sang Arab Saudi và đã quy định chặt chẽ hơn điều kiện hợp đồng giám sát và kiểm tra công tác tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi đi làm việc; đồng thời cử cán bộ của doanh nghiệp sang Arab Saudi để theo dõi, quản lý và hỗ trợ người lao động trong quá trình làm việc. Đặc biệt, đối với doanh ngiệp vi phạm thì Bộ xử lý nghiêm”.
                                                                                                                                                                                            Theo vov.vn