Ảnh minh họa


Là người vừa trở về từ Nhật Bản sau khi phát biểu trước Quốc hội nước này về chương trình thực tập sinh và dự thảo luật mới, ông Lê Long Sơn - giám đốc Công ty Esuhai, TP.HCM - chia sẻ:

Chiều 20-11, tôi bất ngờ nhận được điện thoại từ Bộ Tư pháp Nhật mời tôi ngày 22-11, lúc 13h30 (giờ địa phương) sẽ phát biểu tại Ủy ban pháp luật Hạ viện Nhật với tư cách là tham vấn viên đóng góp ý kiến cho chương trình dự thảo luật mới và đánh giá về chương trình tiếp nhận thực tập sinh hiện hành.

Sau khi làm việc với Bộ Tư pháp Nhật, tôi phát hiện ra một vấn đề rất quan trọng đó là cơ quan này đang tập trung xây dựng luật để quản lý lao động nước ngoài khi vào Nhật nhưng chưa đề cập khái niệm người nước ngoài vào Nhật làm việc phải dựa trên những tiêu chí nào.

Tôi đặt vấn đề trước Quốc hội Nhật là phải đưa được người nghiêm túc, hiểu biết văn hóa, cách làm việc của người Nhật vào Nhật làm việc chứ không đơn thuần chỉ là trải qua kỳ thi tay nghề và ngoại ngữ.

Thu hút đầu tư từ Nhật

* Là một người Việt Nam, ông còn phát biểu gì có liên quan đến thực tập sinh Việt Nam?

- Tôi đã nhấn mạnh việc đưa thực tập sinh ưu tú vào Nhật cũng đóng góp cho sự phát triển của xã hội Việt Nam. Chẳng hạn tôi làm chương trình thực tập sinh đã mười mấy năm, khách hàng hiện có 564 doanh nghiệp thì đã có 65 doanh nghiệp sang đầu tư tại Việt Nam vì họ tin tưởng vào nhân lực Việt Nam thông qua chương trình thực tập sinh.

Nhật có thể chỉ nhận một người nhưng lại tạo ra một giá trị tiếp theo là mở rộng cho doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đầu tư ra nước ngoài, đó là cái được lớn nhất của chương trình thực tập sinh.

Mục đích của chúng tôi là thông qua chương trình đào tạo nguồn nhân lực và thu hút đầu tư từ Nhật để mang lại giá trị cao hơn cho Việt Nam. Mình là người Việt Nam mình mới nhìn ở khía cạnh đó.

* Những người tham dự đón nhận bài phát biểu của ông thế nào?

- Sau khi phát biểu, có năm câu hỏi từ các nghị sĩ tập trung vào tôi xoay quanh chương trình thực tập sinh. Khi tôi trả lời xong, các nghị sĩ bắt tay tôi cảm ơn. Có một nghị sĩ lúc đầu chỉ trích chương trình thực tập sinh, nhưng sau khi tôi trình bày xong thì đến bắt tay cảm ơn, chúc mừng.


Đáp ứng hiệu quả cho doanh nghiệp Nhật

* Ông đánh giá nhu cầu của Nhật với chương trình thực tập sinh kỹ năng như thế nào?

- Hiện nước Nhật đang tiếp nhận 257.000 thực tập sinh ở các nước đến làm việc và nhu cầu tiếp nhận thực tập sinh của các doanh nghiệp Nhật là rất lớn.

Chương trình thực tập sinh đang đáp ứng rất hiệu quả cho các doanh nghiệp, đồng thời đem đến hiệu quả rất lớn cho nguồn nhân lực trẻ Việt Nam chưa có kinh nghiệm, tay nghề và cần được rèn luyện trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.

* Doanh nghiệp Nhật yêu cầu gì với những bạn trẻ muốn theo chương trình thực tập sinh, thưa ông?

- Hiện nay công nghiệp hóa rồi, người Nhật không yêu cầu thực tập sinh đạt trình độ tay nghề quá cao vì đã có máy móc theo quy trình làm việc. Họ chỉ cần người ý thức tác phong và nghiêm túc, hiểu tiếng Nhật và làm đúng thao tác kỷ luật công nghiệp là được.

Hiện tại và trong tương lai, Nhật Bản sẽ ngày càng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực trong tất cả các ngành nghề từ sản xuất cho đến dịch vụ... Hiện Nhật chỉ tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài đến làm việc theo hai chương trình là thực tập sinh kỹ năng và lao động bậc cao.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực với số lượng lớn ở tất cả các ngành nghề, Chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu luật mới để tiếp nhận được nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng và kinh nghiệm bậc trung, có yêu cầu về năng lực ngoại ngữ phù hợp.

Đối tượng này có thể hiểu sẽ có trình độ và yêu cầu thấp hơn kỹ sư nhưng cao hơn thực tập sinh kỹ năng. Chương trình mới này sẽ mở ra cơ hội mới lựa chọn phát triển nghề nghiệp tương lai cho người Việt.

Người nước ngoài thứ hai phát biểu trước Quốc hội Nhật

* Được biết hai năm trước, ông cũng từng phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản?

- Hai năm trước, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã mời tôi phát biểu đóng góp thông qua luật thực tập sinh. Lần đó, Bộ Tư pháp mời tôi thì Quốc hội phản đối vì trước giờ chưa có chuyên gia nước ngoài nào phát biểu đóng góp cho luật của Nhật.

Sau đó, Bộ Tư pháp Nhật tìm hiểu lại thì năm 1945, Quốc hội Nhật có mời một người Mỹ cũng trong vai trò chuyên gia để xây dựng luật. Tôi là người nước ngoài thứ hai được mời phát biểu trong lịch sử Quốc hội Nhật.

Thượng viện Nhật Bản bắt đầu thảo luận về dự luật nhập cư cải cách

Theo Hãng tin Kyodo, Đảng Dân chủ tự do của Thủ tướng Shinzo Abe và đối tác liên minh với họ là Đảng Komeito kỳ vọng có thể thông qua dự luật này ngay trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra và sẽ kết thúc ngày 10-12.

Nếu tiến độ này diễn ra trên thực tế, dự luật cải cách với sự thay đổi rất lớn trong chính sách nhập cư này sẽ có hiệu lực từ tháng 4-2019 nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng của Nhật do dân số già và tỉ suất sinh giảm.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, cho rằng Hạ viện đã có "đủ" các phiên thảo luận về các vấn đề liên quan dự luật. Việc dự luật phải khẩn trương thông qua tại Hạ viện cũng để phù hợp với lịch trình công du tới Argentina của ông Shinzo Abe trong ngày 29-11 dự hội nghị của nhóm G20.

Cho tới nay Nhật Bản đã có nhiều chính sách ưu đãi về điều kiện làm việc, song mới chỉ tập trung với các đối tượng là lao động nước ngoài trình độ cao như các giáo sư, bác sĩ.

Với thay đổi đáng kể, dự luật cải cách nhập cư lần này dự kiến cho phép nhiều hơn nữa các lao động phổ thông thuộc các ngành nghề Nhật đang thiếu hụt nhân lực lớn tới làm việc tại nước này. Hãng tin Kyodo cho rằng dự kiến trong 5 năm tới, nếu luật thực thi, Nhật Bản sẽ tiếp nhận tới 345.150 lao động nước ngoài.


Theo Tuổi trẻ