Trong Năm chéo hữu nghị Nga - Việt đã có nhiều thông tin về việc Nga rất quan tâm đến sinh viên Việt Nam. (Nguồn: Sputnik)

Chính phủ Liên bang Nga cấp gần 1.000 học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo tại Nga, lớn hơn so với thời kỳ Liên Xô. Ngoài ra, ở Việt Nam thường có các cuộc thi Olympic dành cho học sinh về nhiều môn học khác nhau và những người chiến thắng cũng nhận được cơ hội du học miễn phí tại các trường đại học hàng đầu của Nga.

Khó khăn khi tìm việc ở Nga

Các bạn trẻ Việt Nam là những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhiều người trong số họ muốn ở lại Nga, muốn tìm việc làm theo chuyên môn, nhưng liệu chúng ta có biết nhiều trường hợp như vậy?

Trả lời cho câu hỏi này, doanh nhân Đào Đại Hải, một trong những lãnh đạo của cộng đồng người Việt ở St. Petersburg, với hơn 30 năm sống ở thành phố trên bờ sông Neva cho biết, những người Việt Nam trẻ tuổi học tập rất tốt. Nhiều người theo học hệ sau đại học, nhưng họ vẫn rất khó kiếm được việc làm ở Nga.

"Tôi không biết một người Việt nào đang làm việc trong cơ quan nhà nước Nga. Những vấn đề tương tự liên quan đến những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình Việt Nam sống lâu năm ở Nga. Nhiều người trong số họ không muốn làm kinh doanh như bố mẹ. Dù có rất nhiều khó khăn trong kinh doanh, nhưng để tìm được việc làm bên ngoài công ty gia đình cũng là một vấn đề rất lớn”, doanh nhân Đào Đại Hải trải lòng.

Sinh ra ở Nga, Vũ Thị Trà My là sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Ngoại giao của Nga - MGIMO. Vào những năm 2015 - 2017, cô là Chủ tịch cộng đồng người Việt ở MGIMO. Hiện nay, Trà My là cố vấn trưởng về các vấn đề quốc tế cho Hiệp hội Luật sư Nga, đặc biệt về việc giải quyết việc làm cho công dân Việt Nam tại Nga.

Theo cô Vũ Thị Trà My, người Việt khó tìm việc ở đây vì ở Nga, người sử dụng lao động phải xin hạn ngạch để cấp giấy phép cư trú tạm thời (RVP) cho người nước ngoài, nếu người này không sinh ra ở Liên bang Nga. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ sẽ gặp khó khăn nếu chưa thạo tiếng Nga và hiểu không kỹ những chi tiết trong Pháp luật di cư của Nga. Trong khi đó, tư vấn pháp lý ở Nga rất tốn kém.

Luật pháp Nga cung cấp những cơ hội nào?

Trên thực tế, luật pháp Nga quy định một số cơ hội tìm việc cho công dân nước ngoài. Sinh viên học tập tại trường kỹ thuật hoặc trường đại học có đăng ký của nhà nước có thể làm việc trong thời gian rảnh rỗi.

Người Việt sinh ra trên lãnh thổ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga (RSFSR) hoặc Liên bang Nga có thể nhận giấy phép cư trú tạm thời mà không tính đến hạn ngạch và có thể làm việc ở Liên bang Nga nơi họ đã nhận được giấy phép này.

Đối với các chuyên gia có trình độ cao, các thành viên trong gia đình họ, người nước ngoài được công nhận là người bản ngữ, nói tiếng Nga từ lúc lọt lòng, có một quy trình đơn giản để nhận giấy phép cư trú trong 3 năm hoặc 5 năm, nhờ đó họ có cơ hội tìm việc làm trong bất kỳ chủ thể nào của Liên bang Nga. Trong tất cả các trường hợp này, công ty hay cơ quan tuyển dụng người Việt không cần có giấy phép đặc biệt, mà chỉ cần thông báo cho cơ quan đại diện của Bộ Nội vụ về việc ký kết hợp đồng lao động.

Cô Vũ Thị Trà My cho biết, vào tháng 8/2019, Nga đã thông qua đạo luật mở rộng danh sách các đối tượng nước ngoài có thể xin cấp phép cư trú lâu dài trên lãnh thổ Liên bang Nga mà không cần xin giấy phép tạm trú. Theo đạo luật này, người nước ngoài có thể được cấp giấy phép cư trú vĩnh viễn ở Nga.

Ngoài ra, thời gian xem xét các đơn xin cấp giấy phép cư trú tạm thời (RVP) cũng được rút ngắn. Theo luật này, những người tốt nghiệp đại học tại Nga, nhận được chứng chỉ giáo dục và bằng tốt nghiệp xuất sắc có thể nhận được giấy phép cư trú mà không cần giai đoạn RVP và nhờ đó có thể tìm được việc làm.

"Như vậy, những người Việt tốt nghiệp bằng đỏ các trường đại học và học viện Nga có khá nhiều cơ hội để trở thành nhân viên của các công ty, doanh nghiệp và tổ chức ở Nga”, cô Trà My nhấn mạnh.

Theo Thế giới và Việt Nam