Ảnh minh họa


Nhiều ngành kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi sự đổi mới nhanh chóng của công nghệ. Các quốc gia gặp thách thức trong việc cải thiện trình độ của người lao động, tìm kiếm các giải pháp mới để duy trì tăng trưởng cho doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.

Cải thiện con người, công nghệ và quản trị

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, ông David Wijeratne - lãnh đạo Trung tâm Thị trường mới nổi của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) cho rằng Việt Nam sẽ gặp thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tương tự các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Khu vực này trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới nhưng đối mặt với những nguy cơ về suy giảm kinh tế ngắn hạn, dân số già hóa, sự phụ thuộc quá mức vào ngoại thương cũng như khoảng cách khá lớn về mặt cơ sở hạ tầng và thể chế quốc gia.

Theo PwC Việt Nam, hiện 18% lực lượng lao động của Việt Nam chưa có đủ các kỹ năng cần thiết cho sự đổi mới, lao động giá rẻ không còn là lợi thế sẽ là rào cản lớn cho sự phát triển. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy Việt Nam đã liên tục tăng trưởng về GDP, vốn đầu tư nước ngoài, lực lượng lao động và số dân có mức thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh dựa trên chi phí lao động thấp sẽ mất dần khi các công nghệ mới được vận hành và những biến động thương mại toàn cầu đe dọa tới lợi thế này. Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận định: "Để duy trì đà tăng trưởng và cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế, DN Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực dựa trên ba yếu tố: con người, công nghệ và quản trị”.

Mấu chốt để giải quyết những hạn chế này là gia tăng đầu tư, đặc biệt vào công nghệ và đào tạo để cải thiện trình độ của người lao động, giúp họ có các kỹ năng mới để có thể nắm bắt những tiến bộ công nghệ. Trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các công ty cân nhắc chuyển đổi hoạt động kinh doanh trở nên thông minh, hiệu quả và minh bạch hơn để có sức đề kháng với rủi ro.

DN cần trang bị các công nghệ cần thiết, lực lượng lao động có đầy đủ kỹ năng để vận hành công nghệ mới theo một cấu trúc quản trị phù hợp. "DN đi đầu trong quá trình này, nhưng Chính phủ tạo điều kiện cho sự thay đổi, đặc biệt thông qua việc xây dựng thể chế, đào tạo kỹ năng và cung cấp cơ sở hạ tầng cho kết nối kỹ thuật số”, bà Vân nói.

PwC nhận định khu vực tư nhân tại ASEAN đang có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh nhờ sự năng động, nhưng cần chú ý đến nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng, DN phải triển khai những chiến lược sáng tạo hơn để đạt được thành công.

Theo đó, các chiến lược tương đồng để giữ được tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu người dùng và giữ vững tăng trưởng lợi nhuận gồm: chuyển đổi sang nội địa hóa nguồn cung ứng, hoạt động sản xuất, hoạt động bán hàng thông qua việc xây dựng các trung tâm phục vụ người dùng khu vực; ứng dụng các năng lực kỹ thuật số để nâng cao chất lượng sản xuất và vận chuyển hàng hóa, dịch vụ cũng như giao tiếp với người dùng và DN; xây dựng các quan hệ đối tác và liên minh theo hướng liên ngành và ứng dụng công nghệ mới.

Đào tạo để người lao động theo kịp sự đổi mới

Cũng tại Diễn đàn, Hãng Công nghệ Cisco (Mỹ) công bố kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) lên việc làm trong khu vực. Nghiên cứu được Cisco thực hiện tại 6 quốc gia gồm Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines, với 21 ngành nghề và 430 loại hình công việc trong giai đoạn suốt 10 năm đã chỉ ra sự dịch chuyển lớn về mô hình hoạt động, nhiều kỹ năng trở nên dư thừa trong tương lai.

Theo đó, trong 630 triệu dân tại 6 quốc gia được khảo sát, dự báo 10 năm tới sẽ có 28 triệu lao động (tương đương 10,2% tổng lực lượng lao động) bị ảnh hưởng công việc do sự tác động của công nghệ AI. Trong đó, Singapore có tỷ lệ lực lượng lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất (chiếm 21% tổng lực lượng lao động), tiếp đến là Việt Nam với 13,8%, Philippines chiếm 10%, Indonesia với 8%, Malaysia chiếm 7,4% và Thái Lan là 2%.

Theo ông Naveen Menon - Chủ tịch Cisco khu vực ASEAN, trong toàn khu vực sẽ có những ngành công nghiệp đạt trị giá hàng ngàn tỷ đô la trong giai đoạn tới nhờ những bước đột phá dựa trên công nghệ tự động và AI.

Công nghệ AI sẽ tạo ra thêm 4,5 triệu công việc mới trong khu vực trong vòng một thập kỷ tới cho nhiều ngành nghề, trong đó khoảng 1,8 triệu việc cho ngành bán lẻ, 1 triệu việc trong ngành xây dựng, 0,9 triệu việc cho ngành chế biến, chế tạo, 0,4 triệu việc trong khối khách sạn - nhà hàng và các ngành dịch vụ khác...

Tuy nhiên, trong 28 triệu lao động sẽ có 6,6 triệu người đối mặt với các kỹ năng không còn cần thiết trong tương lai, sẽ phải dịch chuyển ngành nghề, học các kỹ năng mới để theo kịp sự đổi mới, đặc biệt như kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý công việc, hoặc dịch chuyển sang quốc gia khác để làm việc phù hợp.

Tổ chức nghiên cứu kinh tế phân tích và phản biện dựa trên số liệu của 21 nhóm ngành kinh tế cũng xây dựng 15 kịch bản công việc trong 10 - 15 năm sau và đề nghị các chuyên gia trên thế giới phân tích và phản biện các kịch bản này.

"Lợi thế chi phí lao động giá thấp của Việt Nam sẽ bị thay đổi trong vòng 5 - 10 năm tới, trong khi đa số người lao động Việt Nam vẫn chưa có kỹ năng cao hoặc chưa lành nghề. DN cần tạo điều kiện để người lao động có cơ hội được đào tạo lại, trang bị những kỹ năng sẵn sàng cho sự thay đổi công việc", ông Naveen Menon khuyến cáo.

Theo Doanh nhân Sài Gòn/Dân trí