Ảnh minh họa


Nhu cầu nhân lực ở các ngành nghề tăng cao đa phần phù hợp với lao động nữ: Marketing, bán hàng, tiếp thị - trưng bày sản phẩm, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn, tiếp thị sản phẩm, quảng cáo, đóng gói hàng thực phẩm và hàng dân dụng, nghiên cứu thị trường, dịch vụ giúp việc nhà…

Riêng tháng 3/2019, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề có xu hướng tăng cho các lĩnh vực ngành sản xuất, chế biến như: Dệt may - giày da, chế biến thực phẩm, vận tải - kho bãi - xuất nhập khẩu, nhựa - bao bì… Đây là cơ hội khá lớn đối với các lao động nữ đang tìm kiếm công việc phù hợp.

Được biết, năm 2019, TP.HCM dự kiến có nhu cầu 320.000 chỗ làm việc, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới. Theo dự báo, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 79,17%, nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 22,77%, trung cấp chiếm tỉ lệ 19,93%, cao đẳng chiếm 15,80% và đại học trở lên chiếm 20,67%.

Kết quả khảo sát năm 2018 của Trung tâm cho thấy, nhu cầu việc làm của sinh viên, người lao động trên địa bàn thành phố có 110.172 lượt người có nhu cầu tìm việc, tăng hơn 35% so với năm 2017. Nhu cầu việc làm tập trung ở lao động qua đào tạo chiếm 94,78%, chủ yếu ở các ngành nghề sau: Tài chính - tín dụng - ngân hàng, kế toán - kiểm toán, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, quản lý điều hành, marketing – quan hệ công chúng, hành chính văn phòng, nhân sự… Nhu cầu tìm việc ở lao động chưa qua đào tạo chiếm 5,22%, sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề (5,67%) tập trung ở các ngành nghề như: Dịch vụ phục vụ, dệt may - giày da, nhân viên kinh doanh – bán hàng, cơ khí, lái xe.

 Phạm Thương