Người lao động rất phấn khởi khi lên đường đi XKLĐ.
Tuy nhiên, công tác quản lý về XKLĐ chưa làm cho NLĐ có được tâm trạng như vậy khi trở về. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngoài ra, chính doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động cũng bức xúc về chuyện giấy phép và cơ chế “trên trải thảm - dưới rải đinh” hiện nay.

9 năm, xử phạt DN vi phạm gần 4 tỉ đồng

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp, trong 3 năm 2014-2016, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài xấp xỉ 350.000 người. Riêng trong năm 2016 cả nước có trên 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, các thị trường trọng điểm là: Đài Loan có trên 68.000 lao động; Nhật Bản có gần 40.000 người; Hàn Quốc có trên 8.000 và Saudi Arabia có trên 4.000 lao động.

Cùng với nâng cao chất lượng công tác XKLĐ, từ năm 2007 đến nay, bộ đã tiến hành gần 400 cuộc thanh tra, kiểm tra. Theo đó, có 107 doanh nghiệp có vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị phát hiện và xử lý với tổng cộng 306 hành vi vi phạm, trong đó có 151 lỗi bị xử phạt vi phạm hành chính. Tổng số tiền xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm là gần 4 tỉ đồng.

Tại các thị trường trọng điểm, công tác XKLĐ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức chưa thể tháo gỡ một sớm một chiều. Tại thị trường Đài Loan có hai vấn đề lớn phát sinh là việc thu phí cao và tình trạng người lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Tại thị trường Nhật Bản đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, không thực hiện tuyển chọn và đào tạo đúng quy định;...

Tại Hàn Quốc, do tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước cao (lên tới 55% năm 2012), nên gần 4 năm kể từ tháng 8.2012, ta và Hàn Quốc chưa ký lại Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (chương trình EPS). Sau nhiều nỗ lực cải thiện số người bỏ trốn của VN, ngày 17.5.2016, hai bên mới ký lại MOU bình thường.

Đến nay vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp vi phạm quy định về đăng ký hợp đồng như: Không đăng ký hợp đồng nhưng vẫn tuyển chọn lao động, triển khai hợp đồng trước khi đăng ký, số lao động đưa đi nhiều hơn số lượng đăng ký hợp đồng; còn có hợp đồng cung ứng khi đăng ký có nội dung không rõ ràng, nhất là các điều khoản liên quan đến quyền lợi của người lao động...

Phải đấu tranh với tiêu cực vòi vĩnh

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thừa nhận hệ thống văn bản, luật liên quan đến công tác XKLĐ còn tồn tại nhiều thủ tục kiểu “giấy phép con”, nhiều văn bản “vô tích sự”. “Phải dồn vào, một văn bản nhiều nội dung chứ sao lại “rải mành mành” mỗi nội dung một tí xíu. Ví như đăng ký chữ ký một văn bản riêng, ký quỹ, xác nhận không có vi phạm,... cũng văn bản”, ông Dung nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: L.P

Tại hội nghị, đại diện một DN XKLĐ tại tỉnh Thanh Hoá bức xúc cho biết, khi DN này tới nhiều địa phương, họ nhận thấy người dân thiết tha có nhu cầu XKLĐ. “Có gia đình nợ ngân hàng 3 triệu đồng nhưng mấy năm không trả hết”, lãnh đạo DN này cho hay. Nhưng khi tiếp cận thì chính quyền cấp xã, huyện lại gây khó khăn, thậm chí nhốt cán bộ của DN khiến họ phải cầu cứu lãnh đạo huyện đến “giải cứu”. “Như vậy là thực tế XKLĐ có tình trạng “trên rải thảm dưới rải đinh”, vị này cho hay.

Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhất trí ý kiến cho rằng có sự “khó dễ” của địa phương với các DN lĩnh vực XKLĐ. Theo ông Lợi, với địa phương thì không phải câu chuyện của giấy phép con mà là “phép vua thua lệ làng”. “Cũng có thể còn tồn tại nhiều vấn đề nên niềm tin của chính quyền với DN XKLĐ chưa đủ lớn” - ông Lợi cho biết.

Quan điểm của ông Lợi là phía Bộ LĐTBXH phải sớm củng cố mấy vấn đề cơ bản sau: Rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật, tập trung vào một thông tư hướng dẫn đầy đủ các điều kiện để người lao động và DN chủ động làm theo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nhưng với tinh thần tạo cơ hội cho DN phát triển chứ không phải tạo áp lực cho DN. Bộ nên sớm tổng kết 10 năm thực hiện luật xem gì còn vướng mắc, gây khó khăn cho DN để tháo gỡ. Ngoài ra, khi tham gia XKLĐ, phía DN và người lao động có đóng quỹ, ngoài hỗ trợ cho người lao động khi mất việc, cơ quan quản lý nhà nước nên dùng một phần quỹ đi khai thác thị trường giúp DN.

Phát biểu tại Hà Nội, Chủ tịch UB Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân nhất trí quan điểm bộ nên có chuyên đề sớm và sâu để khắc phục tình trạng lao động bỏ trốn, tình trạng thu phí cao. Ngoài ra, phải tập trung nâng cao số lao động các tỉnh phía nam đi làm việc ở nước ngoài. “Có lần nghe địa phương báo cáo mỗi năm có 30 người đi XKLĐ, tôi tưởng nghe nhầm. 30 người thì không giải quyết được vấn đề gì”, ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ LĐTBXH ngoài mở thêm thị trường cấp quốc gia thì phải lưu ý mở thị trường theo cách phát triển đưa lao động đi làm việc ở các địa phương khác, thêm ngành nghề mới trong các quốc gia đã có thị trường. Ngoài huy động sự vào cuộc của đầy đủ hệ thống chính trị ở các địa phương, phải quan tâm công tác đào tạo như mục tiêu 80% lao động đi làm việc ở nước ngoài được đào tạo mà bộ đã nêu.Nghiêm khắc nhấn mạnh về hệ thống luật và yêu cầu chấn chỉnh lại cho sát thực tế và hiệu quả, Phó Thủ tướng cho biết thực tiễn triển khai, còn tồn tại nhiều vấn đề của địa phương, DN, cơ quan quản lý và chính người lao động.

“Đừng để con sâu làm rầu nồi canh, những thứ tiêu cực chúng ta không chấp nhận. Phải đấu tranh với tiêu cực, vòi vĩnh”, PTT nhấn mạnh. Theo đó, công tác XKLĐ phải làm nghiêm việc thu các loại phí, quy định của chính DN để tránh dẫn đến “cò” và phát sinh tiêu cực. Một biện pháp xử lý với DN được PTT nêu ra với sự tham gia của Hiệp hội DN XKLĐ là: “Có thể theo quy định sai phạm đó chưa bắt DN dừng hoạt động được nhưng bằng tuyên bố công khai của hiệp hội, DN sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí “sập” luôn”.

Về phía người lao động, PTT yêu cầu Bộ LĐTBXH nghiên cứu để đưa ra các chương trình công khai sao cho người lao động trực tiếp biết được cơ hội việc làm và quyền lợi, trách nhiệm của mình khi tham gia làm việc ở nước ngoài.

Theo laodong.com.vn