Lao động Việt Nam làm thủ tục xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Nguồn: Báo Dân sinh

Những nỗ lực này là một phần của các biện pháp giảm thiểu sự gia tăng nhanh chóng của tình trạng học sinh, thực tập sinh bỏ trốn và lao động bất hợp pháp mà Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã tuyên bố trước đó.

Theo đó, người cư trú bất hợp pháp bị bắt trong các cuộc truy quét sẽ bị gửi về nước ngay lập tức, và các công ty thuê những lao động này làm việc cũng bị phạt nặng hơn trước. Tuy nhiên, quá trình trục xuất sẽ được hoãn lại trong một thời gian nhất định đối với những người phụ nữ cư trú bất hợp pháp đang mang thai và tự nguyện ra tự thú với chính quyền.

Cùng ngày, tờ Korea Times đã đưa tin Đại học Quốc gia Incheon đã báo cáo về 164 sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường mất tích. Theo luật, sinh viên nước ngoài nếu vắng mặt 15 ngày thì nhà trường sẽ báo lên Cục xuất nhập cảnh Hàn Quốc.

Các em sinh viên này nằm trong số 1.900 sinh viên Việt Nam theo chương trình đào tạo tiếng Hàn một năm tại trường, chương trình bắt đầu bốn tháng trước, nhà trường cho biết.

Cảnh sát tin rằng mục đích thực sự của việc đến Hàn Quốc là kiếm việc làm sau khi một thời gian ngắn học tiếng Hàn.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, những tư cách lưu trú hợp pháp đối với người lao động được công nhận ở Hàn là: Chương trình cấp phép việc làm (chương trình EPS), chương trình thuyền viên làm việc trên tàu đánh cá (visa E10) và chương trình lao động kỹ thuật cao (visa E7). Ngoài ra, từ năm 2018 Chính phủ đồng ý cho thí điểm đưa lao động thời vụ 3 tháng sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thông qua hợp tác giữa hai địa phương hai nước.

Việc công dân ra nước ngoài theo các kênh không chính thống sau đó ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và rủi ro. Do không có đầy đủ thông tin về người sử dụng lao động, điều kiện làm việc, sinh hoạt, thiếu hiểu biết về văn hóa, tập quán của nước đến, không được trang bị kỹ năng làm việc, rèn luyện về tay nghề và ngoại ngữ nên những công dân này rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động nhưng lại không được luật pháp nước sở tại thừa nhận và bảo vệ./.

Theo Thời Đại