Ảnh minh họa

Trong khi đó, tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, tỉ lệ lao động khu vực phi chính thức chiếm 57,2% - tương đương hơn 18 triệu người. 'Khoảng trống" quyền lợi người lao động khu vực này còn nhiều bỏ ngỏ... 

Trước thực trạng hơn 61% số dân có việc làm của thế giới, tương đương 2 tỉ người, kiếm sống tại khu vực kinh tế phi chính thức, ILO nhấn mạnh việc chuyển tiếp sang nền kinh tế chính thức là chìa khóa để đảm bảo quyền của người lao động cũng như những điều kiện làm việc thỏa đáng.

Theo bà Rafael Diez de Medina - Giám đốc Bộ phận Thống kê của ILO, tỷ lệ quá cao lao động không chính thức dưới mọi hình thức đã và đang gây ra vô số hậu quả tai hại cho người lao động, doanh nghiệp và các xã hội, đồng thời là thách thức lớn đối với nỗ lực đem lại công việc tươm tất cho tất cả mọi người.

Đối với hàng trăm triệu người lao động, phi chính thức đồng nghĩa với việc thiếu sự bảo vệ của xã hội, quyền tại nơi làm việc và điều kiện lao động thỏa đáng trong khi đối với các doanh nghiệp, điều này có nghĩa là năng suất thấp và thiếu sự tiếp cận nguồn tài chính.

Tại Châu Phi, 85,8% lực lượng lao động là phi chính thức. Tỉ lệ này là 68,2% tại Châu Á - Thái Bình Dương, 68,6% tại các nước Arab, 40% tại Châu Mỹ và chỉ có hơn 25% tại Châu Âu và Trung Á. Tổng cộng, 93% lao động không chính thức của thế giới tập trung ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển.

Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ nam giới trong lao động phi chính thức là 63%, cao hơn so với tỷ lệ nữ giới là 58,1%.

Ông Chang-Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam - cho hay, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ việc làm phi chính thức cao tại Châu Á – Thái Bình Dương.

“Quá trình hỗ trợ chuyển đổi từ phi chính thức sang chính thức là một thách thức lớn, bởi một nửa lực lượng lao động toàn cầu hiện đang làm việc trong khu vực phi chính thức”, ông Chang-Hee Lee nói.

Theo các tiêu chuẩn về thống kê lao động quốc tế, việc làm phi chính thức bao gồm tất cả các công việc phi chính thức trong cả các doanh nghiệp thuộc khu vực chính thức, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khu vực phi chính thức hay hộ gia đình. Nói cách khác, việc làm phi chính thức là tất cả các công việc nằm trong và ngoài khu vực phi chính thức (nghĩa là ở các đơn vị kinh tế như khu vực chính thức và hộ gia đình làm sản xuất). Lao động phi chính thức thường có đặc điểm là việc làm bấp bênh và thiếu ổn định, thu nhập thấp và thời gian làm việc dài. Họ thường không có hợp đồng lao động và khả năng được đóng bảo hiểm xã hội rất hạn chế. 

Theo Lao động