Ảnh minh họa 

Bởi tính đến hết năm 2017, trong số các thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam thì Đài Loan (Trung Quốc) vẫn được đánh giá là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất - gần 50% tổng số lao động được đưa đi làm việc tại các thị trường.


Thị trường trọng điểm số 1

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2017, tổng số lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) là 66.926 lao động. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp số lượng lao động đưa đi Đài Loan đạt trên 60.000 người (chiếm gần 50% tổng số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại các thị trường trong năm nay).

Ngoài ra, thị phần của lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) tăng đều trong các năm gần đây. Tính đến hết tháng 11.2017, tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan là 206.184 người, chiếm 30% thị phần (cùng kỳ năm 2016 là 29,3%). Trong đó, số lao động làm việc trong ngành sản xuất công nghiệp chiếm trên 87%, lao động làm việc trong ngành dịch vụ xã hội chiếm 13%.

Trên thực tế, Đài Loan là "điểm đến" luôn đạt sự tăng trưởng đều qua các năm và luôn thuộc top dẫn đầu trong thị trường XKLĐ của Việt Nam bởi có nhiều lý do. Thứ nhất, việc thu phí đi làm việc tại Đài Loan được "xiết" lại khá chặt trong những năm gần đây, do đó người lao động thường phải trả mức phí không quá cao so với một số thị trường khác (tối đa không quá 4.000 USD/người đối với lao động làm việc ở khu vực nhà máy và 3.300 USD/người đối với lĩnh vực chăm sóc người bệnh. Mức phí này áp dụng từ 1-2-2014).

Ngoài việc chi phí dễ chịu, việc Đài Loan áp dụng mức tăng lương cơ bản theo lộ trình và tăng nhu cầu tuyển dụng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đến với thị trường này. Mặt khác, Bộ Lao động Đài Loan đã đưa thêm ngành nghề nuôi cá lồng đại dương vào diện được tiếp nhận lao động nước ngoài, tạo điều kiện để người lao động có thêm "cửa" tham gia vào thị trường lao động với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực.

Những thay đổi đáng chú ý

Theo thông báo của Bộ Lao động Đài Loan, Luật Lao động Đài Loan vừa được sửa đổi bổ sung một số điều liên quan đến quyền lợi của người lao động làm việc tại Đài Loan, có hiệu lực từ ngày 01.3.2018.

Sau đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã ban hành văn bản số 384/QLLĐNN - ĐL - CM thông báo và hướng dẫn các doanh nghiệp những sửa đổi của Luật Lao động Đài Loan và các mẫu hợp đồng lao động mới dành cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan. Trong đó, những nội dung sửa đổi của Luật Lao động Đài Loan gồm: Sửa đổi và bổ sung quy định về thời gian làm việc và ngày nghỉ trong tuần (Điều 36); Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ làm việc theo ca, làm thêm giờ (Điều 24, Điều 32 và Điều 34); Sửa đổi cách tính tiền làm thêm giờ vào ngày nghỉ thông thường trong tuần (Điều 24) và Sửa đổi, bổ sung quy định về nghỉ phép (Điều 38).

Bên cạnh đó, căn cứ quy định mới của Đài Loan, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉnh sửa một số nội dung liên quan trong hợp đồng lao động dành cho lao động đi làm việc tại Đài Loan về: Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, cách tính thời gian và tiền làm thêm giờ; quy định về nghỉ phép áp dụng cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan. Mẫu hợp đồng lao động mới dành cho lao động Việt Nam đi làm việc theo từng ngành nghề tại Đài Loan như sau sẽ chia thành các nhóm cụ thể như: Mẫu hợp đồng lao động dành cho lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sản xuất, công trường xây dựng, các đơn vị dịch vụ xã hội; Mẫu hợp đồng lao động dành cho lao động Việt Nam làm việc trong các gia đình của Đài Loan; Mẫu hợp đồng lao động dành cho lao động thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu cá gần bờ.

Theo Lao động

Về các thay đổi chi tiết, đáng lưu ý nhất là bổ sung quy định về chế độ làm việc theo ca, làm thêm giờ. Theo đó, người sử dụng lao động có thể điều chỉnh tổng thời gian làm việc của người lao động khi có sự đồng ý của Công đoàn hoặc sự nhất trí của hội nghị giữa người sử dụng lao động với người lao động nhưng tổng thời gian làm thêm giờ, bao gồm cả làm thêm giờ ngày nghỉ thông thường không quá 54 tiếng/tháng và không quá 138 tiếng/3 tháng. Người lao động có quyền nghỉ bù sau khi phải làm việc kéo dài thời gian khi có nguyện vọng.