Giữ chân nhân viên không chỉ bằng tiền là một vấn đề gây đau đầu khác
trong bài toán lao động ở Nhật Bản.



Trên cả nước, trung bình cứ một người tìm việc thì có 1,62 chỗ trống cần tuyển, mức cao nhất về nhu cầu tìm lao động trong hơn 44 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức 2,4%, gần mức thấp nhất trong 25 năm và tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm đến 5 năm trong 6 năm qua. 

Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đạt mức cao nhất 87 triệu người vào năm 1995 và được dự đoán sẽ giảm xuống còn 45 triệu người vào năm 2065. Những công ty phản ứng chậm với sự thay đổi trong nhân khẩu học này đã phải trả giá khá đắt. Silicon Technology, một nhà sản xuất vật liệu bán dẫn, đang vận hành một nhà máy ở nông thôn chỉ với một nửa công suất vì không thể thuê đủ nhân công. 

Bên cạnh lương thì giờ đây, giờ làm việc linh hoạt, các phúc lợi cá nhân như dịch vụ giữ trẻ ban ngày và thậm chí là hỗ trợ thuê nhà đang được các công ty đưa ra để thu hút người lao động. Phổ biến ở Mỹ và châu nhưng những ưu đãi như vậy mới chỉ trở nên thông dụng gần đây ở Nhật Bản, nơi trước đây vẫn đòi hỏi nhân viên phải trung thành tuyệt đối với nhà tuyển dụng để có thể được đảm bảo công việc và tăng lương đều đặn.

Chẳng hạn như Toyota, hồi tháng Tư đã mở một cơ sở trông trẻ suốt 24 giờ/ngày để phục vụ các công nhân làm ca tại các nhà máy của họ gần trụ sở chính ở thành phố. Nhiều công ty, như Jtekt Corp, nhà cung cấp hệ thống lái lớn nhất thế giới, thì đơn giản là đang dịch chuyển một số nhà máy ra khỏi các vùng có mức độ cạnh tranh trong thu hút lao động cao. 

Ông Toshiaki Matsutomo, Giám Đốc điều hành Công ty tư vấn nguồn nhân lực HR Strategy cho biết, một vài công ty còn cung cấp bữa ăn miễn phí hay trợ cấp tiền thuê nhà để nhân viên đỡ mất thời gian di chuyển từ nhà đến nơi làm việc, một số khác thậm chí còn cung cấp dịch vụ tư vấn và ngày nghỉ phép cho những cặp đôi đang muốn có con.

Giữ chân nhân viên không chỉ bằng tiền là một vấn đề gây đau đầu khác trong bài toán lao động. Daikisangyo – Một công ty lắp ráp thân và cánh máy bay cho Boeing Co. đang phải “lao tâm khổ tứ” để giữ chân nhân viên mới. Ông Tsuyoshi Saso - một nhà quản lý tại Interworks, một trang tuyển dụng trong lĩnh vực sản xuất trên toàn quốc, cho biết đây không còn chỉ là vấn đề tiền bạc nữa, mà người lao động giờ đây muốn làm việc trong một môi trường tích cực với những người đồng nghiệp tốt.

Lao động nước ngoài có thể giúp bù đắp phần nào tình trạng thiếu hụt lao động ở Nhật Bản, dù bộ phận này chỉ chiếm khoảng 2% lực lượng lao động hiện tại ở “đất nước hoa anh đào”. Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tạo ra những loại visa mới cho những người lao động nước ngoài có kỹ năng hạn chế hơn, nhưng sẽ chỉ cấp một số lượng nhỏ những visa như vậy.

Các nhà cung cấp của Mazda Motor Corp vốn thường hoạt động độc lập giờ đây đang hợp tác với nhau để tìm ra cách tốt nhất nhằm sử dụng robot (người máy) và trí tuệ nhân tạo (AI) để thay thế hoàn toàn con người.

Ông Masato Uno, Chủ tịch Hiệp hội kỹ thuật sản xuất Hiroshima, một tổ chức bao gồm các nhà cung cấp của Mazda và các công ty công nghệ thông tin (IT), cho biết mục tiêu của tổ chức này là tạo ra những dây chuyền sản xuất tự động có thể vận hành 24 giờ/ngày, 365 ngày/năm và điều này sẽ giúp giải quyết những vấn đề về năng suất và thiếu hụt lao động.

Theo Thế giới và Việt Nam