Biểu đồ khảo sát của Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU)

Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia nằm ở những thứ hạng thấp trong bản đánh giá về trình độ đào tạo các kỹ năng cho tương lai.

Trong khi các nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đang nhanh chóng được số hóa thì người dân các nước này chưa được trang bị tốt để có thể hưởng lợi từ một thế giới đang trải qua quá trình toàn cầu hóa, đô thị hoá và đổi mới công nghệ, một cuộc điều tra đánh giá mức độ chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai tại nhiều quốc gia kết luận.

Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) đã khảo sát 35 nền kinh tế, trong đó có 12 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, để đưa ra Chỉ số tương lai giáo dục toàn cầu ngày 19.9.

(....)

Chỉ số này đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm hơn 88% dân số và 77% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Số liệu này cũng tập trung vào khả năng sáng tạo, phân tích, kinh doanh, lãnh đạo, năng lực liên ngành, số hoá và các kĩ năng kĩ thuật, cùng với việc nhận thức về công dân toàn cầu – những năng lực cốt lõi để đáp ứng yêu cầu tương lai trong cả công việc và cuộc sống.

Tiêu chuẩn đánh giá sự chuẩn bị sẵn sàng của các nền kinh tế được chia thành: 50% về môi trường giảng dạy, 30% đối với môi trường chính sách và 20% đối với môi trường kinh tế xã hội.

Môi trường giảng dạy liên quan đến sự kết nối của giáo viên trong việc phát triển các kỹ năng cho tương lai và sự đầu tư của chính phủ cho giáo dục.

Môi trường chính sách thể hiện mức độ mà một quốc gia ưu tiên cho các kỹ năng trong tương lai khi xây dựng chương trình giáo dục của mình. Còn môi trường kinh tế xã hội chỉ ra các yếu tố xã hội nhằm tạo ra sự đa dạng và hình thành nê công dân toàn cầu.

Tín hiệu báo động

Các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương có điểm trung bình là 60,2/100 - gần tương đương điểm trung bình toàn cầu là 60.

Bà Trisha Suresh, chuyên gia tư vấn cao cấp tại EIU nói với các phóng viên ngày 19.9: "Một số nước đông dân ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia nằm ở top dưới trong chỉ số này. Đây là một tín hiệu báo động lớn từ thực tế. Họ là những quốc gia có lực lượng lao động lớn, có tiềm năng, nhưng chưa có tính cạnh tranh, và chưa sẵn sàng cho những gì sắp xảy ra trong tương lai".

Trung Quốc, dự kiến sẽ có lực lượng lao động đạt 770 triệu người vào năm 2030, xếp thứ 31 với số điểm là 32,9. Ấn Độ với lực lượng lao động ước tính 620 triệu người đứng thứ 29 với 41 điểm. Còn Indonesia, với 142 triệu lao động, đứng thứ 34 với 27,9 điểm.

Thiếu sót từ thực tế

Trong khi đó, New Zealand đứng đầu cuộc khảo sát toàn cầu với 88,9 điểm, còn Singapore đứng thứ hai trong số các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ năm trong toàn bảng đánh giá với 80,1 điểm. Các quốc gia có mức thu nhập cao đạt số điểm trung bình là 71,8, trong khi các nền kinh tế thu nhập thấp hơn đạt được 36,7.

Bà Trisha Suresh, người xây dựng chỉ số và giám sát quá trình tổng hợp số liệu, cho biết nhiều nước có Chỉ số tương lai giáo dục toàn cầu thấp ở Châu Á - Thái Bình Dương là do thiếu "chính sách đúng đắn" về phát triển giáo dục. Mặc dù chính sách của những nước này có thể đã "đề cập đến" các kỹ năng cho tương lai, bà Trisha Suresh nói, chúng "chưa được toàn diện" và thường thiếu các cột mốc đánh giá, kế hoạch hành động hoặc chưa được thực hiện đúng.

Nhiều nước trong số các nước thu nhập thấp này vẫn đang loay hoay trong việc thực hiện nền giáo dục cơ bản và điều này khiến họ chưa tập trung vào các kỹ năng định hướng trong tương lai. Bà Trisha Suresh nói: "Họ vẫn đang cố gắng phát triển các chương trình giáo dục tập trung vào các kỹ năng đọc, viết và toán tốt".

Tuy nhiên, bà cũng đánh giá rằng những nước này có nhiều thuận lợi khi là người đi sau trong việc xác định những nền tảng thực tiễn tốt nhất trong các môi trường khác nhau (môi trường giảng dạy, môi trường chính sách và môi trường kinh tế xã hội), mặc dù còn những hạn chế về nguồn lực.

                                                                                 Theo Lao động .vn