ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN phát biểu tại tổ sáng 24/10 

Theo quy định của Luật BHXH 2006, với lao động nữ sau 15 năm đóng BHXH sẽ được hưởng 45% lương và mỗi năm đóng BHXH ngoài 15 năm trên được cộng 3%. Nhưng theo Luật BHXH 2014, sau ngày 1/1/2018, từ năm công tác thứ 16, mỗi năm đóng thêm nữ chỉ được cộng 2%.

Phát biểu tại tổ sáng 24/10, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN, cho biết: Bảo đảm quyền lợi bình đẳng giữa nam và nữ sau nghỉ hưu hiện nay đang được chị em quan tâm và rất tâm tư. Cách tính lương hưu theo Luật BHXH 2014 áp dụng từ 1/1/2018 sẽ thiệt thòi cho lao động nữ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà lấy ví dụ: Cùng một lao động nữ, nếu nghỉ hưu trước 31/12/2017 được hưởng lương hưu là 75% mức bình quân lương làm căn cứ đóng BHXH. Cũng cùng lao động đó, nếu nghỉ hưu vào ngày 1/1/2018 thì chỉ được hưởng 65%. Bản thân lương ít, lại bị sụt giảm đột ngột sẽ gây ra nhiều khó khăn với lao động nữ. “Chúng tôi cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng lao động ồ ạt nhận BHXH một lần đang diễn ra hiện nay”, Chủ tịch Hội LHPNVN phát biểu.

Theo quy định, với nam có giảm theo lộ trình là 5 năm, mỗi năm giảm 2%. Nhưng với nữ lại giảm đột ngột ngay từ 1/1/2018 là 10%. “Đây là vấn đề rất lớn, Hội LHPNVN đã có phát biểu và ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan liên quan để đảm bảo sự bình đẳng trong quyền lợi giữa nam và nữ khi nghỉ hưu”, Đại biểu Thu Hà nhấn mạnh.


Trao đổi với PV Báo PNVN bên lề phiên họp Quốc hội sáng 24/10, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Lương hưu của phụ nữ được xác định từ Luật BHXH năm 2006. Theo đó cả nam và nữ sau 15 năm công tác được nghỉ hưu thì được tính lương hưu bằng 45% mức bình quân lương đóng BHXH. Năm thứ 16 trở đi, mỗi năm công tác nam được cộng thêm 2% cho đến đạt tối đa 75%. Nữ thì được ưu tiên từ năm công tác thứ 16 trở đi được cộng 3% đến 25 năm công tác được hưởng 75%. Đây là chính sách có tính chất ưu đãi cho phụ nữ.

Đến Luật BHXH năm 2014, Chính phủ đề xuất quay trở lại để bình đẳng giữa nam và nữ thì từ năm 16 trở đi, nam vẫn được cộng thêm 2% như luật cũ. Còn nữ thì giảm từ 3% xuống 2%.

Như vậy, người nghỉ hưu là phụ nữ từ 1/1/2018 trở đi, nếu đóng BHXH đủ 25 năm và đủ điều kiện nghỉ hưu thì tổng tiền lương hưu chỉ đạt có 65% mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH. "Tính ra, phụ nữ bị giảm đột ngột mất 10%, là có sự thiệt thòi", Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi khẳng định.



Đề xuất hướng tháo gỡ, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: Hướng đến mức đóng - hưởng BHXH công bằng hơn giữa nam và nữ, “chúng ta nên có lộ trình thêm vài năm, nhằm nới lỏng lộ trình giảm này ra để  “giảm sốc” với lương của phụ nữ khi về hưu”. Đồng thời cũng tránh sự giảm sút lương đột ngột và tạo ra sự thiếu công bằng giữa những người nghỉ hưu cách nhau vài giờ đồng hồ đã bị giảm sút tới 10% (từ 75% xuống 65% vào thời điểm ngày 31/12/2017 với 1/1/2018). 
“Chính phủ cần tính toán sự tác động của nó có lớn không. Nếu lớn, đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để kéo dài thêm lộ trình để sự giảm sút lương không quá đột ngột”, ông Lợi bày tỏ.

Theo Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà, Luật BHXH 2014 được áp dụng tính BHXH cho người nghỉ hưu từ 1/1/2018, nếu chúng ta quyết tâm vẫn còn thời gian để sửa. “Chính phủ cần có giải pháp ngay và kịp thời để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho lao động nữ”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị. 

                                                                  PVH