Các công nhân người Myanmar đánh bắt cá cho các chủ tàu người Thái

Hôm qua 2.8, trong cuộc họp với các cơ quan phụ trách vấn đề lao động, ông Adul Sangsingkeo, Bộ trưởng Lao động Thái Lan cho biết ngành đánh bắt hải sản và xây dựng rất cần lao động nước ngoài và giới chức sắc của nước này mong muốn phía Việt Nam thúc đẩy đưa lao động sang Thái Lan làm việc.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam và Thái Lan có thỏa thuận cho phép lao động Việt Nam làm việc ở hai lĩnh vực trên, tuy nhiên số người Việt Nam làm việc cho các chủ tàu đánh bắt cá hay trong các công trình xây dựng rất thấp. Nguyên nhân được cho là công việc nặng nhọc trong khi tiền lương tháng khá thấp.
Số liệu của Bộ Lao động Thái Lan cho hay chỉ có hơn 100 người mang quốc tịch Việt Nam chấp nhận làm công nhân xây dựng và đánh bắt cá ở nước này. Việt Nam nhiều lần đề nghị phía Thái Lan mở rộng thị trường nhân công để đón nhận lao động Việt Nam thay vì giới hạn ở hai lĩnh trên.
“Chúng tôi đang xem xét đề nghị của phía Việt Nam về việc mở rộng thị trường, tuy nhiên trong khi xem xét chúng tôi đề nghị nâng mức lương tối thiểu lên 12.000 baht (8,4 triệu đồng)”, một quan chức của Bộ Lao động Thái Lan phát biểu trong cuộc họp.
Lương tối thiểu cho một lao động làm việc đánh bắt cá hoặc xây dựng hiện nay khoảng 9.000 baht (6,3 triệu đồng). Trao đổi với phóng viên Thanh Niên hồi tháng 3.2018, ông Sombat Nivesrat, Phó vụ trưởng Vụ Tuyển dụng lao động thuộc Bộ Lao động Thái Lan, cho biết lương tối thiểu đối với công việc đánh bắt cá và xây dựng khá hơn nhiều so với nhiều ngành khác vì có nhu cầu lớn.
Hiệp hội các chủ tàu đánh bắt cá Thái Lan cho biết ngành này đang cần gần 43.000 lao động, trong khi các chủ tàu khó kiếm lao động trong nước, thậm chí nguồn lao động đã được bổ sung bởi lao động nước ngoài từ Myanmar, Campuchia và Lào, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Theo số liệu của Bộ Lao động Thái Lan, hơn 50.000 người Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp ở nước này, chủ yếu trong lĩnh vực bán hàng, dịch vụ... Giới chức Thái Lan kêu gọi lao động Việt Nam về nước và hợp thức hóa việc làm thông qua con đường xuất khẩu lao động chính thức nhằm tránh gặp rắc rối với chính quyền địa phương.

Theo Thanh niên