Việt Nam cần đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề với kỹ năng cao và trình độ chuyên môn sâu.

Một người bạn tôi cảnh báo: “Khi nền công nghiệp đi cùng với trí tuệ thông minh, robot, công nghệ nano và in 3D thì những lao động phổ thông sẽ bị gạt ra ngoài lề của công việc”. Thậm chí, theo báo cáo của Diễn đàn Davos 2016 đã cảnh báo, có tới 65% học sinh tiểu học hiện nay sẽ làm những công việc mà hầu hết chưa tồn tại trong vòng 10 năm tới.  

Nhiều tín hiệu chỉ ra rằng, tự động hóa đã biến đổi ngành công nghiệp ô tô, hàng không, công nghiệp chế biến và giờ đây, kể cả trong ngành giáo dục đang làm biến đổi toàn bộ hệ thống việc làm ở các quốc gia. Điều đó có nghĩa, những người lao động sẽ chia làm 2 loại chính: Loại lao động bằng chất xám, điều khiển và chỉ đạo các robot, các dây chuyền sản xuất và có mức thu nhập cao; loại thứ hai là những lao động giản đơn, cơ bắp có nguy cơ thất nghiệp và nghèo đói.

Chả thế mà khi Chính phủ Thụy Sỹ định trả cho mọi người dân mức lương tối thiểu thì người dân đã phản đối. Họ coi việc làm là quyền con người, là giá trị sống chứ không thể ngồi nhà mà lĩnh lương từ nhà nước.

Người ta đã tranh luận sôi nổi ngay trong cuộc đối thoại Davos 2016 về mô hình chia sẻ công việc với robot có thể đi cùng với mô hình trả lương toàn dân hay không? Bởi lẽ, theo dự báo, chỉ trong hai thập kỷ tới, robot với trí tuệ thông minh có thể làm được hầu hết những công việc mà con người làm được.  

Điều mà Diễn đàn Davos và APEC 2017 tại Việt Nam đang đặt ra là làm sao để công nghệ có thể được sử dụng theo hướng phục vụ con người, mang tính nhân bản và tạo ra những cơ hội cho con người, chứ không phải tạo ra những khoảng cách lớn hơn giữa công việc và con người.

Chỉ nêu một ví dụ đơn giản: Chiếc xe quét dọn đường phố đã thay thế hàng trăm người lao động vệ sinh môi trường và chắc chắn, thế hệ trẻ không thể có cảm nhận về “tiếng chổi tre đêm Hè”.

Ngay đến lĩnh vực nghệ thuật, theo Họa sĩ Vi kiến Thành, thì để đánh giá chất lượng một tác phẩm nghệ thuật phải cần đến máy móc, công nghệ trợ giúp đến 50% chứ không thể theo cảm tính, năng khiếu của người thẩm định, cho dù người giám định không thể thay bắng máy được.

Hiện nay, máy tính không chỉ kiểm tra bạn tại sân bay, nó sẽ kiểm tra bạn tại các cửa hàng tạp hóa nữa. Cùng với công nghệ robotics, robot có thể dọn dẹp nhà, thực hiện ca mổ và tự lái các xe ô tô tự động. Nếu có thời gian, chúng ta xem phim Anomalisa của Mỹ sẽ giúp hình dung những người máy trong tương lai làm được nhiều thứ kỳ lạ.

Trong xu thế hội nhập toàn cầu đó, ở Việt Nam đang có nhiều người chưa thực sự quan tâm tới cuộc Cách mạng 4.0. Điều đó cũng dễ hiểu vì bản chất con người phải lo mưu sinh. Nhưng những người có trách nhiệm không thể không nghĩ tới hơn 80% dân chúng chưa có trình độ, đang có nguy cơ thất nghiệp hoặc có tư tưởng cam chịu làm thuê. Vì thế, sự nghiệp đổi mới còn đầy gian nan, vất vả.

Còn nhớ một người nước ngoài đã khuyến nghị: “Để giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng nghiêm trọng hiện nay, Việt Nam cần thực hiện ngay các chính sách tiến bộ về quản trị nhà nước, hệ thống thuế, chi tiêu công, dịch vụ công, quyền của người lao động và sự tham gia của người dân”.  

Đã qua rồi cái thời mà những công việc tốt chỉ cần một số các kỹ năng lao động được lặp đi lặp lại. Khi tốc độ của việc thay đổi mang tính toàn cầu, những mô hình cũ của giáo dục cũng sẽ không còn thích ứng. Ngay cả các chương trình giáo dục ở các cấp học cũng phải lưu ý tới điều này. Đó chính là lý do tại sao, trách nhiệm tập thể của chúng ta, những người là cha mẹ, nhà giáo, là thành viên của cộng đồng xã hội cần phải đảm bảo cho tất cả mọi người trẻ có được cơ hội công bằng để tiếp cận với giáo dục chất lượng cao, một nền giáo dục toàn cầu. 

Do vậy, để sống và phát triển với "xã hội robot", chúng ta phải có trách nhiệm đẩy lùi những biểu hiện của sự nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập, làm hạn chế cơ hội được tiếp cận với vấn đề việc làm, an sinh xã hội cần thiết. 

Diễn đàn Davos và APEC 2017 tại Việt Nam đang nêu ra là làm sao để công nghệ có thể được sử dụng theo hướng phục vụ con người, mang tính nhân bản và tạo ra những cơ hội cho con người, chứ không phải tạo ra những khoảng cách lớn hơn giữa công việc và con người.

                                                                                                        Theo Thế giới và Việt Nam