Ảnh minh họa

Theo ManpowerGroup, tại Đông Nam Á, có tới 46% DN cho biết gặp khó khăn trong tuyển dụng và năm 2016 được xem là năm tuyển dụng nhân sự khó khăn nhất trong vòng 11 năm trở lại đây. Tại Việt Nam, nhân sự quản lý cấp cao cũng đang thiếu hụt trầm trọng, nguyên nhân một phần do tình trạng "chảy máu chất xám". 10 ngành nghề khó tuyển dụng nhân sự nhất là CNTT, đại diện bán hàng, kỹ sư, kỹ thuật viên và tài xế, nhân viên tài chính kế toán, nhân viên văn phòng, sản xuất và vận hành máy,... Riêng ngành IT thiếu trầm trọng nhân lực do các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư nhiều tại Việt Nam. 


Cũng theo ManpowerGroup, nguồn nhân lực của Việt Nam chưa phát triển kịp với tăng trưởng kinh tế: Lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 81,4% tổng số lao động; chỉ 9,66 triệu người đã qua đào tạo, chiếm 18,6%. Ngoài ra, lao động Việt Nam thiếu các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, ngoại ngữ, chậm thích nghi với môi trường làm việc mới... 

Đáng lưu ý, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến con người và kỹ năng lao động. Hiện có 45% công việc con người làm có thể được tự động hoá. Các ngành chịu tác động nhiều nhất từ công nghệ và tự động hoá là là IT (26%), nhân sự (20%), dịch vụ khách hàng (15%). Ngành nghề bán lẻ và tài chính chịu tác động rất lớn với 47% các hoạt động có thể tự động hoá bằng công nghệ.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho rằng, kỷ nguyên số tác động to lớn đến thị trường lao động, không chỉ làm thay đổi về số lượng công việc và cấu trúc việc làm mà còn làm thay đổi phương thức cơ bản trong phát triển cung – cầu lao động, môi trường tương tác, phương pháp đào tạo truyền thống,…Trong bối cảnh đó, thì dịch vụ việc làm (DVVL) đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm kết nối giữa người lao động, DN và các đối tác khác như cơ sở đào tạo.

“Với việc phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng CN 4.0 và kỷ nguyên số, rất nhiều thách thức đặt ra cho lĩnh vực DVVL. DVVL không đơn thuần làm nhiệm vụ chắp nối giữa người lao động và DN mà phải tổ chức tốt hơn thông tin thị trường lao động, tìm kiếm nhiều phương thức để hỗ trợ được DN và người sử dụng lao động. Cách mạng 4.0, kỷ nguyên số không làm mất đi cơ hội việc làm, mà giúp xuất hiện nhiều việc làm mới và những người chịu trách nhiệm thị trường lao động hải liên kết, phối hợp, hợp tác với các tổ chức để tận dụng cơ hội, kinh nghiệm nhằm vận hành quản trị tốt hơn thị trường lao động”, ông Diệp nói.

Theo Lao động