Lúc cao điểm, Việt Nam có khoảng 20.000 lao động làm việc tại thị trường Trung Đông trong các ngành xây dựng, giúp việc gia đình… Thời điểm hiện tại, con số này còn khoảng 10.000, trong đó riêng ngành giúp việc gia đình chiếm khoảng 6.000.

Kỳ 1: Bát nháo thị trường lao động nước ngoài

Trong khi chính cơ quan chức năng thường xuyên khuyến cáo lao động cân nhắc đi làm việc tại Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia, thì mỗi ngày, vẫn có thêm lao động ghi danh sang chốn “thiên đường” mà không hình dung hết tương lai… Có người “đi dễ khó về”, thậm chí nhiều lao động mất liên lạc với gia đình cả năm trời, không rõ sống chết ra sao.

Đi dễ khó về

Trở về từ Saudi Arabia trong thất vọng, mệt mỏi và hoảng hốt, nhiều lao động cho biết, họ không thể hình dung cuộc sống ở xứ người lại khắc nghiệt, đắng cay chừng ấy. Chấp nhận khổ sở vì khác biệt văn hóa, vật vã thích nghi với từng món ăn chỉ vì nghĩ đến tương lai mà cố gắng, tuy nhiên, sự nỗ lực của nhiều người lại thường không được đền đáp xứng đáng.

Bà Đinh Thị Thành ở xã Cần Kiệm (Thạch Thất - Hà Nội) là lao động trở về từ Saudi Arabia sau bài viết: “Xuất khẩu lao động: Hết hạn vợ chưa về nước, chồng gửi đơn kêu cứu” của Báo Lao Động.

Kể lại hành trình từ người phụ nữ vốn quen bếp núc, phụ việc mộc của chồng và gần như chưa bao giờ đi khỏi “lũy tre làng” trở thành người khóc cạn nước mắt ở “trời Tây” - bà Thành không giấu được sự mệt mỏi. Quá trình từ khi môi giới tiếp cận đến khi bà Thành xuất cảnh chỉ đúng 1 tuần.

“Môi giới là người cùng xã, đến tận nhà tôi mời gọi, qua lại rất nhiều lần. Họ chỉ yêu cầu đặt cọc 3 triệu đồng, khi tôi bay thì họ mang trả số tiền đó cho chồng tôi. Cũng vì gánh nặng nuôi 3 đứa con ăn học, tôi quyết tâm đi với lời mời gọi: “Chỉ giặt giũ, lau nhà”. Ai ngờ khóc cạn nước mắt mới về được với chồng con” - bà Thành chia sẻ.

Về nước khi vẫn còn bị nợ 7 tháng lương, tương đương khoảng hơn 50 triệu đồng, bà Thành chưa hết bàng hoàng và luôn miệng nói “sợ lắm, không bao giờ đi nữa” khi được hỏi có còn ý định đi xuất khẩu lao động nữa hay không. Ở xứ thiên đường, bà Thành phải làm mặt giận dỗi hoặc khóc lóc van xin thì chủ mới nhỏ giọt gửi lương về cho chồng con bà ở quê.

Dăm lần giận dỗi may ra một lần chủ gửi tiền, thế mới nên cơ sự sau hơn 2 năm làm việc xứ người, bà vẫn còn chưa đòi được hơn 50 chục triệu đồng tiền mồ hôi, nước mắt.

Cũng vì sự khác biệt quá lớn về văn hóa, ngôn ngữ, cách sống, bà Thành càng sốc hơn khi trước lúc đi, chính bà yêu cầu được học tiếng Saudi Arabia thì môi giới nói “quá già, sang đó học”. Cũng vì không thạo ngôn ngữ, có lần bị đay nghiến do hiểu nhầm đã lấy trộm đồ của chủ nhà, bà xách tư trang ra đồn cảnh sát gần đó, trình giấy tờ cho họ để xin tá túc.

Cũng vì không thông thạo ngôn ngữ, thay vì phục vụ duy nhất chủ trả lương, bà Thành còn phải “làm thêm” cho hai gia đình khác là con trai và con gái chủ nhà… “Bao nhiêu nước mắt trong những đêm nhớ chồng con, trong khi cứ cãi nhau thì chủ lại không nạp thẻ điện thoại, càng không liên lạc được với gia đình” - bà Thành chua chát.

Về quê được ít ngày, bà Thành được chồng đưa đi khám bệnh vì người cứ ốm yếu. “Tôi phát hiện hai khối u ngực, mới siêu âm thôi thì bà con trong làng bảo uống tạm thuốc lá, cũng chưa kiểm tra kỹ lại”.

Bấp bênh viễn xứ

Lao động Trần Thị Tr. (Phổ Yên - Thái Nguyên) cũng vừa trở về từ Saudi Arabia, sau khi người nhà gửi đơn kêu cứu, Báo Lao Động vào cuộc. Tr. may mắn hơn bà Thành vì không bị nợ lương, nhưng cuộc trở về cũng gian nan không kém.

“Trước khi về em bị chủ nhà dọa nạt, đánh đập và cắt liên lạc hoàn toàn với gia đình cả tháng. Người ở nhà bấn loạn vì không biết em sống chết ra sao? em bên này cũng khóc không còn nước mắt vì nhớ con, nhớ nhà…” - Tr. nói.

Cũng theo lời Tr., khi còn ở Saudi Arabia, cứ mỗi lần chậm lương và hỏi chủ nhà, cô đều nhận được cơn thịnh nộ và đe dọa. “Có lần họ dọa giết, dọa vứt em ra sa mạc, trong khi ở nơi em sống, mỗi gia đình cách nhau rất xa.

Theo lời Tr., cô phải sống 1,5 tháng trong trại tị nạn trước khi được đưa về Việt Nam. Mỗi ngày, những lao động từ nhiều nước bị chủ mang ra “vứt” vào trại lại nhiều thêm. Những người sống ở đây phải trả chi phí ăn, ở khoảng 600.000 đồng/ngày; mua 1 lạng xà phòng khoảng 60.000 đồng, 1 hộp mỳ tôm giá 30.000 đồng.

“Thân đi làm giúp việc, phải cùng cực vào trại tị nạn và mua mọi thứ với giá trên trời. Ở trại, có đủ người từ nhiều nước, cứ mâu thuẫn với chủ nhà hoặc quá hạn về nước hoặc bị trì hoãn trả lương là có “nguy cơ” bị bỏ vào đây. Hồi em ở trại có gặp mấy người quê Hải Phòng, Thanh Hóa… có người đã ở trại cả năm nhưng không thể nào liên lạc về cho gia đình. Thoát được chốn địa ngục, em về quê làm chè, ai thuê gì cũng làm. Sợ lắm, không đi nữa” - Tr. chua chát.

Bi đát và cay đắng hơn là trường hợp lao động Phạm Thị Xoa (xã Cẩm Sơn, Cẩm Giàng, Hải Dương). Bà Xoa đi xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia quá thời hạn cả năm trời vẫn không về, trong khi gia đình không có bất cứ thông tin gì và đặc biệt không nhận được tiền công.

Khi cả gia đình lòng như lửa đốt vì không thấy người thân trở về, bà Xoa lại khốn đốn xứ người, được một người đồng hương đăng thông tin kiểu “kêu cứu” lên mạng xã hội. Khi ấy, người thân mới hay bà Xoa sang Saudi Arabia làm việc được 2 tháng thì đổi sang nhà chủ mới. Từ khi làm việc với chủ mới, bà Xoa bị nhà chủ đánh đập, hành hung dã man, không cho sử dụng điện thoại, không được trả lương, đến nay đã quá hạn hợp đồng mà không được về.

Một điểm chung của những lao động rơi cảnh khốn khổ khi làm việc xứ người là khi họ mất liên lạc, bị nợ lương hoặc đe dọa, gia đình cầu cứu doanh nghiệp phái cử thì đa số đều nhận được câu trả lời: “Chờ giải quyết”. Có những cuộc đợi chờ kéo dài cả năm trời; có trường hợp lao động về nước cũng co kéo cả năm mới đòi được hết thù lao…

Tuy nhiên, đó vẫn là những người “may mắn”, những người thoát chốn “thiên đường” trở về. Còn bao nhiêu lao động vẫn chịu đắng cay, tủi nhục mong ngóng ngày về nơi xứ người xa ngái?

Theo Lao động