Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 7.1.2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật Thống kê đã quy định người lao động qua đào tạo thành 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất là người đã được đào tạo ở một trường hay một cơ sở đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên và đã tốt nghiệp, đã được cấp bằng/chứng chỉ chứng nhận đạt một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định. 

Nhóm này gồm: Sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp, đại học và trên đại học (thạc sĩ, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học).

Nhóm thứ hai là người chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng do tự học, do được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên họ đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với bậc 1 của công nhân kỹ thuật có bằng/chứng chỉ cùng nghề và thực tế đã làm công việc này với thời gian từ 3 năm trở lên (hay còn gọi là lao động qua đào tạo).

Cũng theo thứ trưởng, nhóm thứ nhất được xây dựng dựa vào cách phân loại lực lượng lao động theo chỉ tiêu số 14 trong Bộ chỉ tiêu cơ bản của thị trường lao động, trên cơ sở hướng dẫn của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). 

“Vì vậy, có thể khẳng định rằng các chỉ tiêu tính toán của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Doãn Mậu Diệp nói.

Trao đổi về một số ý kiến cho rằng chỉ tiêu lao động qua đào tạo đã hết vai trò lịch sử, ông Diệp khẳng định: "Việt Nam với tư cách là một thành viên của ILO nên tuân thủ những hướng dẫn của ILO. Hướng dẫn của ILO là sử dụng cả hai chỉ tiêu, bổ sung cho nhau để đánh giá đúng chất lượng nguồn nhân lực và hiện nay chúng ta đang làm như vậy.

Vậy thì đừng hốt hoảng khi thấy có những bình luận xung quanh việc phải "kết liễu" chỉ tiêu này hoặc chỉ dùng chỉ tiêu nọ. Quan điểm của cá nhân tôi, phù hợp với hướng dẫn của ILO là phải sử dụng đồng thời cả hai chỉ tiêu, tất nhiên có thể chỉnh sửa tên gọi cho phù hợp", ông Diệp nhấn mạnh.

Cục Việc làm dựa trên cơ sở Dữ liệu Cung lao động được cập nhật hằng năm do Cục Việc làm triển khai từ năm 2010 trở lại đây. Cơ sở dữ liệu cung lao động gồm có các thông tin cơ bản về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục – đào tạo, tình trạng hoạt động kinh tế của người lao động, do Ủy ban Nhân dân cấp xã triển khai thu thập, cập nhật dữ liệu hàng năm và hiện có thông tin của 21 triệu hộ gia đình.

Cơ sở dữ liệu cung lao động cho biết được chi tiết trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất mà người lao động đạt được, theo đó, tỷ lệ này qua các năm như sau: Năm 2014 là 49,14%; năm 2015- 52,60%; năm 2016- 53,00%; năm 2017- 56,10% và ước tính năm 2018 là 58,60%.

Theo Lao động