Khoảng 120 CN làm việc tại Cty TNHH Inoue Việt Nam lo lắng
vì mất việc vào những tháng cuối năm.



Không biết rồi sẽ sống như thế nào!

Cuối tháng 10 vừa qua, khoảng 120 CN làm việc tại Cty TNHH Inoue Việt Nam (KCN VISIP 1, vốn Nhật Bản) khá bất ngờ trước thông báo sẽ chấm dứt hoạt động của Cty. Cùng với thông báo này, Cty cũng khóa luôn cửa, không cho CN vào xưởng.

Theo các CN, trước đó, Cty cho CN nghỉ 3 ngày, đến ngày 30.10 trở lại làm việc bình thường. Tuy nhiên, sáng 30.10, khi CN đến thì công ty lại khóa cửa, không cho CN vào xưởng.

Các CN cho biết, Cty thông báo sẽ thanh toán tiền lương cho CN đến ngày 20.11, thời điểm Cty chính thức nộp hồ sơ xin giải thể lên cơ quan chức năng.

“50% lao động của công ty là lao động lớn tuổi nên sẽ rất khó xin được việc mới. Hơn nữa, Tết sắp đến, xin việc sẽ rất khó. Trong lúc người ta đang tìm cách cho người lao động (NLĐ) lớn tuổi ra ngoài, chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì cơ hội nào cho mình tìm việc. Tôi không biết rồi sẽ sống như thế nào” – một nữ CN hơn 40 tuổi, làm việc lâu năm tại Cty Inoue Việt Nam than thở.

Không chỉ là lao động lớn tuổi, nhiều nữ CN đang mang bầu hoặc đang trong thời kỳ thai sản, đang nuôi con nhỏ cũng lo lắng không yên bởi DN khá e ngại khi tuyển dụng.

Một nữ CN chia sẻ: “Mình có con nhỏ là không tăng ca được, trong khi đó, cuối năm, DN nếu có nhu cầu tuyển dụng tức là họ có đơn hàng nhiều cần CN tăng ca nên nếu nghe mình có con nhỏ, DN sẽ e ngại. Tình hình này không biết sẽ sống ra sao?” – Chị thở dài.

“Chúng tôi mất việc đột ngột nên khá bất ngờ, không có thời gian để chuẩn bị nên mong muốn Cty giải quyết các quyền lợi cho CN, có các khoản trợ cấp xứng đáng, ít nhất là 2 tháng lương để chúng tôi có thời gian tìm việc làm mới và giải quyết những khó khăn trước mắt. Thế nhưng ngày 20.11, khi chúng tôi lên trụ sở công ty thì phía công ty chỉ phát phiếu lương, cam kết chi trả những khoản như tiền thai sản, các khoản phụ cấp đi kèm lương mà không đả động gì đến tiền trợ cấp khác khiến chúng tôi rất lo lắng” – Một nữ CN trình bày.

Làm thời vụ chờ cơ hội

Không thể tìm được việc làm mới, nhiều CN chọn làm thời vụ để chờ cơ hội dù công việc có nhiều rủi ro. CN nam chạy xe ôm công nghệ, bốc hàng, phục vụ, CN nữ tìm việc thời vụ ở các nhà máy, nơi có nhiều đơn hàng…

“Vất vả lắm chị ơi, thời gian này mình không có BHYT nên nếu có ốm đau thì phải tự chịu” – anh Cao Tuấn, quê Cà Mau, ngụ Bình Dương nhưng chạy xe ôm công nghệ ở TPHCM, chia sẻ. Anh Tuấn mất việc cách đây 6 tháng, hơn một tháng tìm việc nhưng nơi nào cũng lắc đầu, anh đành chọn chạy xe ôm công nghệ.

“Nếu mình chờ nữa là chết đói luôn đó vì việc bây giờ cũng không nhiều. Nhiều nơi họ dùng máy móc hết, không tuyển lao động luôn. Nhiều bạn bè tôi chạy xe ôm công nghệ, tôi thấy cũng tạm nên đăng ký chạy. Thú thực, nếu cách đây vài năm, chạy xe ôm công nghệ thì rất ổn nhưng giờ cạnh tranh dữ quá. Những ngày đầu, tôi lơ ngơ còn bị "cánh" xe ôm truyền thống dọa đánh, không cho bắt khách. Tôi chỉ sợ đi làm có chuyện gì thì khổ” – anh Tuấn chia sẻ.

“Tôi thấy công ty treo bảng tuyển dụng tuyển 200 CN, lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng, tôi mừng quá nộp đơn vào nhưng đợi mãi không thấy gọi đi phỏng vấn. Vừa rồi, họ mới gọi nhưng là gọi vào làm thời vụ. Họ có đơn hàng xuất đi vào dịp Tết, cần CN vào làm việc phụ với mức lương 180.0000 đồng/ngày. Nếu mình đi làm ở đó thì không có thời gian tìm kiếm việc làm bên ngoài nhưng nếu không đi làm thì không có tiền để tiêu. Lưỡng lự mãi, tôi chọn đi làm, cơ hội tìm việc mới phải để ra năm” – chị Mỹ Tiên, CN may, làm việc tại KCN Sóng Thần (Bình Dương), chia sẻ.

Một cái Tết buồn

Không lương, không thưởng Tết… là một viễn cảnh mà các CN mất việc vào những tháng cuối năm phải đối mặt. Chị Mỹ Tiên thở dài: “Hàng năm, nếu còn làm việc, dù ít hay nhiều, công ty cũng thưởng cho CN được một tháng lương cơ bản, nếu làm ăn có lãi thì thưởng tính theo thu nhập. Chưa kể, công đoàn công ty cũng có nhiều phần quà, giờ thì chẳng có gì cả”.

Nhóm nữ CN làm việc tại Cty TNHH Inoue Việt Nam lo lắng hơn khi chỉ còn hơn tháng nữa là hết năm dương lịch, sau đó thì Tết nguyên đán cũng cận kề.

“Người ta có tuyển thời vụ thì cũng tuyển cách đó vài tháng, không ai tuyển khi sắp hết năm. Hết năm là lúc người ta chốt đơn hàng, tính lương, thưởng tết cho CN. Mất việc vào thời điểm này thì khốn khó vô cùng” – nữ CN hơn 40 tuổi, chia sẻ.

Mất việc, một số người trông cậy vào chồng, vợ, người còn đi làm, một số lựa chọn về quê sớm. Tuy nhiên, về quê là lựa chọn cuối cùng và cũng không vui vẻ gì. “Tết có hàng trăm thứ phải lo. Ngày thường tiền lương đã không đủ sống, gói ghém gửi về quê, ngày Tết mà còn mất việc thì Tết có gì là vui” – chị Thu Mai, mất việc vì công ty thay đổi cơ cấu, chia sẻ.

Tuy nhiên, theo chị Mai, chị vẫn là trường hợp may mắn vì công ty khi cho chị nghỉ việc đã mời chị và một số người lên thỏa thuận, bồi thường một khoản nhất định, khi nghỉ việc, chị đi khai báo với Trung tâm giới thiệu việc làm, được nhận trợ cấp mất việc vì công ty tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho chị đầy đủ. Nhiều CN khi mất việc, công ty lại nợ BHXH hoặc đóng cửa, giải thể, CN không nhận được bất kỳ khoản nào, đó mới là điều rất đáng sợ.

“Nhưng dù có được nhận trợ cấp hay không đó vẫn là điều CN chúng tôi không hề mong muốn. CN độc thân, mất việc một hay vài tháng rồi cũng qua, chịu khổ, mặc xấu tí cũng được nhưng CN có gia đình, có con cái đi học, có bố mẹ già phải chăm, mất việc là một điều khá tồi tệ và kinh khủng. Chưa kể, thời gian sắp tới, các DN tiếp tục cho CN nghỉ việc, sử dụng máy móc vào các dây chuyền sản xuất, đời sống của NLĐ sẽ còn khó khăn hơn” – Chị Thu Mai lo lắng.

Theo Lao động