Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyết cùng đại biểu và nữ doanh nhân
tham dự buổi giao lưu


Vào tháng 7/2016, Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ mở ra những cơ hội mới cho  sự phát triển đất nước. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, Hiệp hội Nữ Doanh nhân TP Hà Nội đã tổ chức buổi giao lưu và chia sẻ “Hiệp định Thương mại song phương và các tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2017” ngày 23/3.

Tại buổi giao lưu, bà Nguyễn Thị Nga - Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Hội LHPNVN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam; Chủ tịch Tập đoàn BRG, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đông Nam Á cho biết, trong thời gian qua, các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia đã mở ra những cơ hội vô cùng thuận lợi cho các doanh nghiệp về nâng cao kim ngạch xuất khẩu, về dòng vốn đầu tư, về nguồn lực lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít những khó khăn thời mở cửa và hội nhập mà nếu không hiểu biết để điều chỉnh kịp thời thì sẽ thành những rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, những thông tin về các hiệp định song phương đến các lĩnh vực kinh doanh sẽ đặc biệt hữu ích đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nữ nói riêng.

Các nữ doanh nghiệp tham dự buổi giao lưu đã lắng nghe bà Catherine Simmons - Giám đốc Quan hệ Chính phủ của Khu vực Châu Á Thái Bình Dương Citibank, Phó chủ tịch Hội đồng phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại châu Á - giới thiệu về Hiệp định TPP, Hợp tác toàn diện khu vực (RCEF), Hiệp đinh Thương mại Dịch vụ (TiSA)…, đặc biệt là những tác động của các hiệp định đối với doanh nghiệp nữ. Các hiệp định giúp mở rộng cơ hội hơn cho phụ nữ, xóa bất bình đẳng giới trong thu nhập.

Theo bà Catherine, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) do phụ nữ làm chủ chiếm 97% doanh nghiệp và chiếm 50-80% việc làm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp 20-50% GDP trong các nền kinh tế APEC. Bước vào kỷ nguyên số, APEC cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp MSMEs tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. APEC cam kết hành động mạnh mẽ hơn để thực hiện sáng kiến Thuận lợi hóa kinh doanh, kể cả cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Tuy nhiên, bà Catherine đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp nữ phải bắt kịp sự tiến bộ của công nghệ. Qua công nghệ số, nữ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, kết nối, cung cấp các dịch vụ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu dễ dàng hơn.

Còn Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyết nhấn mạnh rằng, phát huy tiềm năng kinh tế của phụ nữ là một công cụ mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng. Doanh nhân nữ là thành phần thiết yếu đối với nền kinh tế chính thức, ổn định và phát đạt song họ lại thường xuyên đối mặt với những rào cản. Với chức năng chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ Việt Nam trong đó có doanh nhân và lao động nữ, trong những năm qua, Hội luôn dành sự quan tâm và đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nữ như: Tác động chính sách, đào tạo khởi sự và quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính và tín dụng, hỗ trợ tiếp cận thị trường, phát triển mạng lưới nữ doanh nhân, dạy nghề và tạo việc làm sau học nghề cho lao động nữ.

                                                                                           Theo Phunuvietnam.vn