Một tiểu phẩm của phụ nữ bán hàng rong trên địa bàn Hà Nội

Chị Bùi Thảo My, làm việc cho công ty giúp việc gia đình HMC, cho biết: Lao động di cư, nhất là chị em làm nghề giúp việc với môi trường làm việc trong gia đình nhà chủ nên thiếu điều kiện được giao lưu, học hỏi, nâng cao kỹ năng nghề cũng như hiểu biết xã hội rất hạn chế.

Chính vì vậy, theo chị My, nữ lao động giúp việc gia đình rất cần có những buổi sinh hoạt cộng đồng, được phổ biến, trao đổi về các quy định luật pháp liên quan tới lao động việc làm. Đặc biệt là cần nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, các chế độ chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Thực tế hiện nay, lao động nữ di cư, đặc biệt là người làm nghề giúp việc gia đình, rất muốn tham gia BHXH tự nguyện, nhưng chị em không biết tham gia bằng cách nào, có thể tìm hiểu thông tin ở đâu; cũng như các chế độ được thụ hưởng khi tham gia các loại hình BHXH, BHYT…

Ngày 25/11, hàng trăm lao động di cư là những người công nhân, người lao động tự do, bán hàng rong, người giúp việc gia đình đã có buổi sinh hoạt cộng đồng rất ý nghĩa tại buổi Hội thảo thường niên các nhóm lao động di cư nòng cốt năm 2018, do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và phát triển cộng động - GFCD cùng Mạng lưới hành động vì lao động di cư - M.net tổ chức. Tại đây, chính những người lao động di cư tự xây dựng và biểu diễn các tiết mục văn nghệ, kịch, đối thoại với các nội dung liên quan tới quyền lợi thiết thực về tiền lương, chính sách lao động, chế độ bảo hiểm…

Chị Phùng Thị Hằng, quê Vĩnh Phúc, là công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, cho biết: Phải sống xa gia đình, kinh tế lại eo hẹp, vì vậy nữ công nhân tại các khu công nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Mới đây, chị đã tham gia Câu lạc bộ nữ lao động di cư, qua các buổi sinh hoạt, nhiều chị em mới được mở rộng giao lưu, được biết tới các chính sách, quyền lợi của bản thân, để đảm bảo cuộc sống của bản thân bền vững hơn.

Trao đổi với PV Báo PNVN mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh, Hà Nội, cho biết, riêng khu công nghiệp Bắc Thăng Long trên địa bàn huyện đã có hơn 30.000 công nhân, trong đó hơn 80% là nữ công nhân đang gặp phải vô vàn những khó khăn, cả đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Trước thực tế đó, cấp Hội trên địa bàn huyện tập trung nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ cho các chị em công nhân. Thời gian qua, Hội LHPN huyện đã thành lập Chi hội phụ nữ nhập cư, trong đó hội viên nòng cốt chính là những nữ công nhân đang sống trong các khu nhà trọ.
Bà Tâm cho biết, hiện tại, trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long có 20 nhóm nữ hội viên tiên phong. Họ cũng đều là công nhân nhưng ngoài việc tự chèo chống, vật lộn với cuộc sống để chăm lo cho bản thân và gia đình, họ còn là những nhân tố tích cực vận động các chị em công nhân khác cùng tham gia tổ chức Hội; tham gia các buổi sinh hoạt, tiếp cận với tủ sách báo miễn phí, được đào tạo nghề, nâng cao tay nghề; cùng với đó là các hoạt động văn hóa, văn nghệ chăm lo tinh thần cho đời sống công nhân vốn còn nhiều khó khăn.

TS Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc GFCD, cho biết: Trong số lao động di cư, phụ nữ chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng. Cụ thể, có 42% lao động nữ di cư từ nông thông ra thành phố năm 1989, đã nâng lên tới 54% vào năm 2013. Họ có độ tuổi khá trẻ, là 23 tuổi và đa số có gia đình. Điều đáng lưu ý, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp, trên 90% không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào.

“Lao động nữ di cư phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống khi phải tách ra khỏi gia đình, xóm giềng ở quê”, bà Ngọc Anh nói. Cư ngụ tại thành phố, họ phải chịu mức phí sinh hoạt cao, môi trường sống không đảm bảo an ninh, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo; có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của buôn bán người, bóc lột sức lao động, nạn nhân của bạo lực, xâm hại…

Họ ít tham gia các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể tại nơi đến.

Vì vậy, lao động nữ di cư ít được tiếp cận dịch vụ xã hội, chưa được hỗ trợ và thiếu cơ hội tiếp cận đầy đủ về các chính sách an sinh xã hội. Theo thống kê, có 90% lao động khó tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội và chính sách công tại nơi đến. 

Theo thống kê, năm 1989 mới có 1,3 triệu người di cư, nhưng đến 2009, con số này đã tăng lên 3,4 triệu người.

Đến năm 2019, dự báo có tới 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị, chiếm khoảng 5% dân số cả nước.

 

 H. Hòa