Ảnh minh họa

Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại Diễn đàn về bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 18/7 tại Hà Nội.

Lương thấp hơn nam giới 12 %

Ngoài thành tựu về bình đẳng giới thời gian qua, ông Đào Quang Vinh chỉ ra những thực trạng đáng lo ngại tại VN: “Về tiền lương, nữ giới thấp hơn nam khoảng 12 % do có tay nghề thấp hơn nam giới. Tại các khu công nghiệp, phụ nữ di cư thiệt thòi vì thiếu sự tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc con cái”.

Trong điều kiện kỷ nguyên số, những công việc có tính lặp lại và dễ bị hệ thống tự động thay thế. Người lao động sẽ đối mặt với những thách thức thực sự về việc làm, chủ yếu là lao động nữ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, VN có khoảng 26,2 triệu lao động nữ, chiếm 48 % tổng lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia làm việc của lao động nữ chiếm khoảng 71 %.

“Nhiều ngành nghề của Việt Nam sẽ chịu nhiều rủi ro trước tác động của công nghệ 4.0, như: Ngành nông nghiệp, ngành chế tạo, ngành bán lẻ, dệt may, da giày, lắp ráp điện tử…. Đây là những ngành thu hút đông lao động nữ” - Viện trưởng Viện Khoa học lao động đơn cử.

Với thời gian làm việc nhà nhiều hơn nam giới tới 80 ngày trong năm, cơ hội của lao động nữ trong việc tiếp cận các kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số sẽ giảm đi rõ rệt.

Ngoài ra, ông Đào Quang Vinh lo lắng về thách thức lớn nhất đó là định kiến của xã hội về khả năng làm việc của phụ nữ còn lớn. "Điều này còn diễn ra trong từng gia đình, tổ chức, cơ quan..." - ông Đào Quang Vinh cho biết.

Đồng quan điểm trên, bà Elisa Fernandez - Giám đốc Tổ chức UN Women tại VN - cho biết: Những bất bình đẳng giới về việc làm, giáo dục, đời sống có thể cản trở phụ nữ hưởng lợi đầy đủ từ các cơ hội của nền công nghệ số hoá.

Trong việc làm, tự động hoá khiến số lượng lao động nữ phải chuyển sang công nghệ mới cao gấp 2,4 lần so với nam giới. Trong khi đó, khoảng 16 % lao động nữ có trình độ kỹ thuật.

“Về giáo dục đại học, nhiều nam giới tham gia các ngành khoa học kỹ thuật, trong khi nữ giới thường chọn ngành về khoa học xã hội nhân văn. Chính bởi vây, việc tiếp cận với công nghệ mới của nữ sẽ có phần khó hơn nam giới” - bà Elisa Fernandez cho biết.

Tại diễn đàn, đại diện của UN Woman cũng cho biết, phân biệt trong đối xử tuyển dụng thể hiện ở việc cứ 1/5 quảng cáo việc làm có yêu cầu về giới tính, 70% nguồn việc dành chon nam giới. Phụ nữ mắc kẹt trong công việc có chất lượng thấp mà không được đảm bảo xã hội, sức khoẻ, cơ hội đào tạo.

Phải làm gì?

Theo ông Đào Quang Vinh, nếu thực hiện tốt chính sách bình đẳng giới, thế giới có thể tăng GDP lên 12.000 tỉ USD, gấp đôi GDP của Nhật Bản hiện nay.

“Thậm chí đạt mức 28.000 tỉ USD khi làm tốt hơn. Tuy nhiên do chưa thực hiện bình đẳng giới khiến các nước đang phát triển làm thất thoát khoảng 9.000 tỉ USD” - Viện trưởng Viện KHLĐXH cho biết.

Về xuất giải pháp để hỗ trợ lao động nữ trong thời đại kỷ nguyên số, ông Đào Quang Vinh cho rằng cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp ở cấp chính phủ, doanh nghiệp và người lao động.

“Tăng độ sẵn sàng và năng lực ứng dụng công nghệ; Chú trọng yếu tố con người và kỹ năng; Xây dựng hệ sinh thái số để giúp mọi người. Đặc biệt, chính phủ cần nghiên cứu hoàn thiện thể chế và chính sách liên quan tới các yếu tố kỷ nguyên số. Có như vậy, mới tạo điều kiện giúp tăng cường bình đẳng giới trong tương lai”.

Trong khi đó, bà Elisa Fernandez nhấn mạnh, quá trình sửa đổi Bộ Luật lao động năm 2012 tại VN là một cơ hội tuyệt vời để có được khung pháp lý, nhằm ngăn cản việc phụ nữ bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số.

“Đồng thời, chính phủ cần thiết kế lại các chương trình hiện có để thúc đẩy sự hoà nhập của phụ nữ vào kỷ nguyên số, như: Đầu tư tăng cường kỹ năng của phụ nữ, phát huy hơn nữa tài năng của phụ nữ trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh các chương trình tài chính toàn diện cho phụ nữ” - bà Elisa Fernandez gợi ý.

Ngoài ra, đại diện UN woman cho biết, nam giới cần chủ động phân công lại lao động dựa trên cơ sở giới tính, bao gồm cả công việc gia đình và chăm sóc không lương...

Tính chất, kỹ năng công việc thay đổi theo kỷ nguyên số

“Về lâu dài, kỷ nguyên số sẽ thay đổi việc ký các hợp đồng lao động dài hạn. Đặc biệt làm những công việc gắn bó suốt đời với danh nghiệp. Thay vào đó, các công ty công nghệ, doanh nghiệp số hoá đang tổ chức công việc theo từng dự án. Trung bình khoảng 5 năm, 35 % kỹ năng sẽ thay đổi và xuất hiện những kỹ năng mới. Điều này đòi hỏi người lao động, đặc biệt là lao động nữ phải thay đổi cách thức và phương thức làm việc mới của nhà tuyển dụng” - ông Đào Quang Vinh nói.





Theo Dân trí