Ảnh minh họa

Nikkei Asian Review ngày 9-11 đưa tin các nhà làm luật Nhật Bản đã thảo luật yêu cầu chính phủ phải có trách nhiệm dạy tiếng Nhật cho các lao động nước ngoài, thông qua khoản hỗ trợ cho các địa phương và các công ty. Dự luật dự kiến sẽ trình lên quốc hội trong tháng này.

Trước đó, chính quyền thủ tướng Shinzo Abe ngày 8-11 cũng trình lên quốc hội kế hoạch cải tổ chính sách nhập cư mà nội các đã thông qua tuần trước, chuẩn bị cho việc mở cửa từ 4-2019 và đón nửa triệu lao động nước ngoài đến 2025. Theo đó, Nhật sẽ mở thêm hai loại thị thực mới cho các lao động kỹ thuật cao và thấp trong 14 lĩnh vực.

Để sắp xếp ổn thỏa cho các lao động đến Nhật, chính quyền nước này dự kiến điều chỉnh hệ thống bảo hiểm y tế trước lo ngại của các công ty về chi phí y tế sẽ tăng mạnh và ngăn tình trạng lạm dụng lao động nước ngoài. Một số nghị sĩ cũng ủng hộ việc đảm bảo chi trả công bằng và cho phép lao động nước ngoài đem người thân đến Nhật. 

Chúng tôi sẽ tổng hợp 'các biện pháp toàn diện' về lao động nước ngoài trong cuối năm nay.

Bộ Tư pháp Nhật

Năm 2017, Nhật có hơn 1,28 triệu lao động nước ngoài, tăng gấp đôi so với 2012, trong đó chiếm phần lớn là người Trung Quốc, Việt Nam, Philippines. Chính phủ Nhật có chương trình đào tạo 5 năm cho các lao động nước ngoài. 

Tuy nhiên có ý kiến chỉ trích các công ty lợi dụng những chương trình này để lạm dụng lao động các nước, chưa kể những lao động này không có kỹ năng phù hợp với các ngành thiếu hụt nhân lực. Nhiều người lo ngại việc cải tổ khiến chính sách nhập cư trở nên lỏng lẻo.

"Đừng hiểu nhầm, chúng ta không theo đuổi một chính sách nhập cư thông thường. Chỉ là thật sai lầm khi áp các tiêu chuẩn của chúng ta lên người nước ngoài. Thay vào đó, điều quan trọng là tạo môi trường để mọi người có thể hòa hợp" - Guardian dẫn lời ông Abe nói, trấn an rằng phần lớn các lao động sẽ không ở lại Nhật vĩnh viễn và chính sách sẽ được cân nhắc lại khi giảm bớt tình trạng thiếu hụt.

Chương trình cải tổ nhập cư dự kiến cũng sẽ vấp phải sự phản ứng từ các đảng đối lập trong quốc hội Nhật Bản. Đảng cánh hữu Japan First cho rằng làn sóng người nhập cư sẽ tạo gánh nặng lớn lên hệ thống phúc lợi và làm gia tăng tình trạng tội phạm.

Tờ Asahi cũng chỉ trích chính quyền ông Abe chậm chạp trong việc giải quyết các lo ngại về việc tiếp nhận lao động nước ngoài. "Dù có gọi họ là người nhập cư hay là không, chính phủ có trách nhiệm xác định tầm nhìn thuyết phục và rõ ràng về tương lai của xã hội Nhật Bản, nơi mà lao động nước ngoài và công dân Nhật có thể làm việc cùng nhau và cảm thấy được đảm bảo" – tờ này viết.

Người dân Nhật Bản cũng tỏ ra cởi mở. Theo khảo sát của TV Tokyo và báo Nikkei, 54% cử tri Nhật ủng hộ việc cho phép các lao động kỹ năng thấp vào nước này trong khi 36% phản đối. Tỉ lệ ủng hộ ở người trẻ đặc biệt cao hơn.

Theo Tuổi trẻ