Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/4/2017

Hai quan chức cao cấp đại diện của bộ máy chính quyền Trump cho biết rằng, ông Trump cũng sẽ dùng sắc lệnh như một công cụ "mua của người Mỹ và thuê người Mỹ", để thay đổi việc mua sắm chính phủ nhằm tăng mua các sản phẩm của Mỹ trong các hợp đồng liên bang.

Ông Trump ký sắc lệnh này khi ông đến thăm trụ sở chính của Snap-On Inc., một nhà sản xuất dụng cụ ở Kenosha, Wisconsin.

Sắc lệnh là một nỗ lực của ông Trump nhằm thực hiện chiến dịch "Mỹ là trên hết" (America First) mà ông cam kết hồi bầu cử về cải cách chính sách nhập cư và khuyến khích mua các sản phẩm của chính nước này. Khi đã gần tới mốc 100 ngày trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump vẫn chưa ghi dấu được thành tựu lập pháp quan trọng nhưng đã sử dụng các sắc lệnh với hy vọng tạo ra các thay đổi về quy định trong nền kinh tế Mỹ.

Sắc lệnh kêu gọi "siết chặt việc thực thi và chấp hành nghiêm chỉnh tất cả luật lệ về nhập cảnh vào Mỹ của lao động nước ngoài vì mục đích tạo ra mức lương và tỷ lệ việc làm cao hơn cho lao động Mỹ", một quan chức cấp cao cho biết.

Sắc lệnh kêu gọi các phòng/ban Lao động, Tư pháp, An ninh Quốc gia và các bang hành động để trấn áp những gì gọi là "gian lận và lạm dụng" trong hệ thống nhập cư nhằm bảo vệ công nhân Mỹ.

Sắc lệnh này kêu gọi bốn cơ quan liên bang trên đề xuất các biện pháp cải cách để đảm bảo loại thị thực H-1B được cấp cho người nộp đơn có trình độ hoặc kỹ năng cao nhất.

Thị thực H-1B dành cho người nước ngoài trong các nghề "đặc biệt" thường đòi hỏi trình độ học vấn Thạc sĩ trở lên, theo Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS). Những yêu cầu này bao gồm, nhưng không giới hạn, các nhà khoa học, kỹ sư hoặc lập trình máy tính. Chính phủ sử dụng xổ số để cấp 65.000 thị thực mỗi năm và phân phát ngẫu nhiên 20.000 thị thực khác cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Số đơn xin cấp thị thực H-1B năm nay giảm xuống còn 199.000 so với con số 236.000 vào năm 2016, theo USCIS.

Các công ty cho biết họ sử dụng thị thực để tuyển dụng những tài năng hàng đầu. Theo một phân tích của Reuters về các hồ sơ của Bộ Lao động Mỹ, hơn 15 % nhân viên của Facebook Inc. đã sử dụng thị thực làm việc tạm thời trong năm 2016.

Tuy nhiên, đa số thị thực được trao cho các công ty gia công, gây ra những lời chỉ trích của giới hoài nghi-những người cho rằng các công ty này sử dụng thị thực cho những lao động về công nghệ thông tin ở trình độ thấp. Các nhà phê bình cũng nói rằng hệ thống xổ số chỉ đem lại lợi ích cho các công ty thuê ngoài .

Các quan chức cấp cao cho biết kết quả cuối cùng là các lao động nước ngoài thường được trả lương ít hơn để thay thế cho những lao động người Mỹ "vi phạm nguyên tắc của chương trình".

Sắc lệnh cũng đòi hỏi các cơ quan liên bang phải xem xét làm thế nào để thoát khỏi những sơ hở trong quá trình mua sắm của chính phủ.

Cụ thể, người ta sẽ xem xét lại liệu việc miễn trừ trong các hiệp định thương mại tự do có dẫn đến thương mại không công bằng hay không, do nó cho phép các công ty nước ngoài cắt đứt mối làm ăn của các công ty Mỹ trong thị trường mua sắm chính phủ toàn cầu.

Một quan chức khác nói: "Nếu Mỹ biến thành một kẻ thua cuộc vì những thỏa thuận thương mại tự do, áp dụng cho gần 60 quốc gia, thì những điều kiện miễn trừ này có thể phải được đàm phán lại hoặc thu hồi ngay lập tức".

                                                                               Theo Thế giới và Việt Nam