Lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021
mà có từ 20 đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH là hơn 91.000 người


Ngày 3/8, Văn phòng Chính phủ cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kỳ họp thứ 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành triển khai các công việc; trong đó phân công Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu kể từ ngày 1/1/2018 đến hết 31/12/2021 do tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu. Nguồn kinh phí thực hiện do quỹ BHXH đảm bảo.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ đang gấp rút xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi tham gia vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc điều chỉnh lương hưu với lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn từ 1/1/2018 đến 31/12/2021.

Đề xuất phương án mức bù chênh lệch vào lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn này, ông Điều Bá Được, Trưởng ban thực hiện Chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho rằng: Mức bù chênh lệch vào lương hưu cụ thể đối với từng trường hợp phải dựa vào quy định tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ theo Luật BHXH năm 2014; đồng thời so sánh tỷ lệ hưởng lương hưu của nam và nữ khi có thời gian đóng BHXH như nhau và cùng bắt đầu hưởng lương hưu tại cùng một thời điểm trong giai đoạn từ 1/1/2018 đến 31/12/2021 để so với tỷ lệ hưởng lương hưu với năm 2017.

Qua so sánh, phân tích và để đảm bảo nguyên tắc công bằng và phù hợp giữa cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và lao động nữ có thời gian đóng BHXH như nhau, BHXH Việt Nam đề xuất tỷ lệ % được bù chênh lệch lương hưu cụ thể theo bảng sau: 

bu-chenh-lech_20180804090354pm.jpg

Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới Luật BHXH năm 2014 có sự thay đổi về công thức tính lương hưu đối với cả lao động nam và lao động nữ theo hướng tăng số năm đóng BHXH để đạt tỷ lệ lương hưu tối đa (75%). Theo đó, lao động nam sẽ tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng tối đa 75% từ đủ 30 năm lên đủ 35 năm; lao động nữ tăng từ đủ 25 năm lên đủ 30 năm.

Tuy nhiên, việc áp dụng ngay quy định mới từ ngày 1/1/2018 trở đi một cách đột ngột với lao động nữ, trong khi không có quy định thực hiện theo lộ trình như đối với lao động nam. Theo đó, một bộ phận lao động nữ khi nghỉ hưu trong thời điểm này bị giảm tỷ lệ hưởng lương hưu từ 1% đến 10% so với thời điểm nghỉ hưu tại năm 2017; vì vậy cần phải có phương án khắc phục những bất lợi do tác động của thay đổi cách tính lương hưu, đảm bảo công bằng với lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn này.

Theo BHXH Việt Nam, việc áp dụng công thức tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021 mà có từ 20 đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH là hơn 91.000 người. Trong đó, năm 2018 là 20.500 người; năm 2019 là 22.000 người; năm 2020 là 23.500 người và năm 2021 là 25.100 người.

Theo Phunuvietnam.vn