Hành khách đợi làm thủ tục tại sân bay Helmut-Schmidt ở Hamburg, Đức. 

Tham gia cuộc đàm phán có Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Horst Seehofer, Chủ tịch Công đoàn Verdi (tổ chức công đoàn ngành dịch vụ lớn nhất ở Đức) Frank Bsirske, Chủ tịch hiệp hội các nhà tuyển dụng địa phương (VKA) Thomas Böhle và Chủ tịch liên hội công chức (DBB) Ulrich Silberbach.

Phát biểu trên các phương tiện truyền thông trước vòng đàm phán ngày 15/4, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang bày tỏ sẵn sàng đi đến một sự thống nhất chung để tránh tình trạng xung đột leo thang.

Trong khi đó, Giám đốc Verdi tự tin phát biểu, giữa các bên đàm phán có một sự quan tâm chung và nỗ lực để có thể tạo ra một bước đột phá. Ông Bsirske cho rằng "không thực hiện được một bước đột phá sẽ là dấu hiệu của một cuộc leo thang xung đột."

Mặc dù có những dấu hiệu khả quan nhất định nhưng vòng đàm phán ngày 15/4 còn tồn tại nhiều điểm bất đồng, chưa thể đi đến thống nhất.

Vào cuối ngày 15/4, Bộ trưởng Seehofer tuyên bố, mọi thứ đều phức tạp và đàm phán sẽ được tiếp tục vào ngày 16/4. Tại cuộc đàm phán, ông Seehofer yêu cầu các công đoàn trong lĩnh vực dịch vụ công nên đóng góp vào sự phát triển kinh tế tốt của Đức.

Chủ tịch công đoàn Verdi Bsirske cảnh báo rằng, khoảng cách giữa dịch vụ công và khu vực tư nhân sẽ không tăng, "dịch vụ công cần phải hấp dẫn hơn."

Trong khi đó, Chủ tịch VKA Thomas Böhle cho rằng, phải điều chỉnh lợi ích của các thành phố và các đô thị tài chính cũng như các cộng đồng địa phương.

Trước đó, ngày 10/4, hàng nghìn hành khách đã bị mắc kẹt tại nhiều sân bay ở Đức khi các nhân viên mặt đất và người lao động làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ công khác trên cả nước tiến hành đình công đòi tăng lương.

Không chỉ các nhân viên trong lĩnh vực hàng không, các nhân viên trong nhiều lĩnh vực dịch vụ công khác, trong đó có giao thông đường bộ, hỗ trợ khách hàng, thu gom rác và dịch vụ bể bơi công cộng cũng như chăm sóc trẻ em tại nhiều bang và thành phố ở Đức cũng tuyên bố đình công.

Cuộc đình công trên do Verdi, tổ chức công đoàn ngành dịch vụ lớn nhất ở Đức phát động, là một hoạt động khởi động có tính truyền thống của các công đoàn Đức trước các cuộc đàm phán với giới chủ lao động.

Công đoàn Verdi đặt ra mục tiêu tăng 6% lương, hoặc tối thiểu 200 euro/tháng, cho khoảng 2,3 triệu người lao động trên cả nước, những người có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên.

Theo Vietnamplus.vn/Dân trí