Minh họa

Trước đó, năm 2017, ngành lao động đặt kế hoạch đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Như vậy, sau 10 tháng, ngành lao động đã đạt mục tiêu xuất khẩu lao động của năm 2017, con số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt 101,07% kế hoạch năm 2017 và bằng 107,84% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10 năm 2017 là 13.456 lao động (5.148 lao động nữ). Trong đó, thị trường Đài Loan vẫn giữ vị trí dẫn đầu về số lượng XKLĐ với trên 68.000 người.

Sau đó là Nhật Bản, khoảng 40.000 lao động, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2016; Hàn Quốc với gần 8.500 người, tăng 40,9%.

Ngoài ra, một số thị trường khác cũng thu hút nhiều lao động như: Malaysia, Ả-rập Xê-út, Angieri, Qatar...

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến nay có tổng cộng hơn 60 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong số doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, riêng năm 2017 có 4 doanh nghiệp bị rút giấy phép với các lỗi vi phạm: Không trực tiếp tuyển dụng lao động, cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, thu tiền trái phép của người lao động; đưa người lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động theo quy định.

Các doanh nghiệp này phải báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước về các hợp đồng đang còn hiệu lực, số lượng người lao động đang làm việc ở nước ngoài, số lượng người lao động đã được tuyển chọn để đưa đi làm việc ở nước ngoài và phương án thực hiện trách nhiệm đối với người lao động theo các hợp đồng còn hiệu lực.

Theo Lao động