Các sinh viên Việt Nam khóa 2016-2017 tại Trung Tâm Nghiên Cứu Nông Nghiệp Sa Mạc Ramat Negev trong ngày lễ tốt nghiệp.

Trong tổng số hơn 500 học viên có đến 350 sinh viên Việt Nam, còn lại là từ Myanmar và Nepal. Tham dự sự kiện có ông Khuất Văn Quyền, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Israel.

Phát biểu tại lễ tốt nghiệp, ông Alon Melchior, quản lý Chương trình Đào tạo quốc tế của trung tâm, cho biết đây là một chương trình học đặc biệt dành cho các sinh viên được tuyển chọn từ châu Á.

Sau 11 tháng học và làm việc ở đây, các học viên đã hiểu rõ về nền nông nghiệp hiện đại của Israel cùng các môn học khác. Bên cạnh học lý thuyết, các học viên có nhiều thời gian làm việc trực tiếp trên thực địa để tiếp cận cách áp dụng công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong nông nghiệp.

Các bạn sinh viên Việt Nam cũng như nước khác khi đến đây học và làm việc đạt được hai điều cần thiết.

Thứ nhất, họ có cơ hội thực tế để làm việc và có thêm kinh nghiệm từ một nền nông nghiệp công nghệ cao cũng như cách thức quản lý nông nghiệp hiện đại. Thứ hai là họ có được kiến thức về nông nghiệp hiện đại.

Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp sa mạc Ramat Negev hiện có khoảng 70 chương trình học cho các học viên liên quan đến các vấn đề về nông nghiệp như công nghệ sau thu hoạch, các loại gene, chăn nuôi gia súc, kỹ năng điều hành kinh doanh trong nông nghiệp.

Theo ông Melchior, trung tâm dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 300 học viên mới cho khóa học 2017-2018 và nhiều chủ nông trang có nhu cầu tuyển dụng các bạn trẻ Việt Nam đến để làm việc.

Phát biểu tại sự kiện, ông Khuất Văn Quyền, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, khẳng định Israel là một đất nước tương đối nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng Israel đã vươn lên trở thành một quốc gia khởi nghiệp và có nền nông nghiệp áp dụng công nghệ cao đi đầu trên thế giới.

Ông bày tỏ hy vọng các học viên Việt Nam khi về nước với những kiến thức và thực tiễn đã học được ở Israel sẽ giúp ích cho quê hương.

Bạn Vũ Ngọc Kim Ngân, một học viên khóa 2016-2017, cho biết mục đích của chương trình này là giúp các bạn sinh viên có điều kiện sang Israel để học tập nền nông nghiệp công nghệ cao.

Tại đây, các học viên được hỗ trợ chỗ ăn ở và được tạo điều kiện làm việc ở các nông trại. Giáo viên ở nơi đây đều là các giáo sư, tiến sỹ và bản thân họ là các chủ trang trại nên họ có kiến thức và kinh nghiệm thực tế rất là tốt.

Trong khi đó, Nguyễn Trọng Tín một sinh viên đến từ trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh với chuyên ngành quản trị kinh doanh, cho biết điều quan trọng em lĩnh hội sau khóa học là tinh thần khởi nghiệp của người dân Israel và em muốn mang kiến thức đã học được ở đây đem về áo dụng tại Việt Nam nhằm đóng góp phần vào phát triển nền nông nghiệp của quê hương.

Sau nhiều năm thực hiện, kể từ năm 2008, chương trình trên đã đưa hàng nghìn học viên Việt Nam sang học tập và làm việc tại Israel.

Sau thời gian học tập và thực hành tại Israel, học viên có cơ hội thực hành tiếng Anh, được đào tạo kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao đồng thời khi thực hành làm việc tại các trang trại học viên có thể nhận được mức lương tối thiểu 1.00USD/tháng sau khi trừ các khoản như nhà ở, thuế (mỗi tuần học một ngày và làm việc 5 ngày).

Hiện, có bốn trung tâm tham gia tuyển sinh ở Việt Nam là AICAT Arava, Ramat Negev, Sdot Negev và Agrostudies.


                                                                                            Theo Thế giới và Việt Nam