Công nhân người Philippines tại một nhà máy ở Nhật - Ảnh: Reuters

Khảo sát này được thực hiện trên 5.218 lao động theo diện thực tập sinh nước ngoài, những người đã rời khỏi công việc ở Nhật, và được công bố hôm 29-3.

Trong số này có 759 trường hợp nói rằng lý do họ bỏ việc, "lặn mất tăm" là bị công ty cư xử bất công.

Nhà chức trách cũng cho biết 171 lao động thực tập sinh đã chết ở Nhật Bản trong vòng 6 năm tính từ năm 2012. Trong số đó có 28 trường hợp tử vong vì tai nạn khi tham gia chương trình thực tập lao động và 17 người tự tử.

Báo Japan Today cho biết số lượng công nhân thực tập nước ngoài bỏ việc đang tăng lên và vượt xa số liệu khảo sát của Bộ Tư pháp Nhật Bản.

Tính riêng trong năm 2018, đã có 9.052 trường hợp báo cáo mất tích. Và thực tế số liệu 5.218 trường hợp nêu trên chỉ là khảo sát từ số liệu kiểm soát nhập cư và phỏng vấn trong giai đoạn tháng 1-2017 tới tháng 9-2018.

Nếu tính trong tháng 12-2018, có tới 328.360 người lao động thực tập đang làm việc ở Nhật, theo số liệu này.

Bộ trưởng Tư pháp Nhật Takashi Yamashita nói trong một cuộc họp báo rằng chính phủ sẽ "nỗ lực vận hành chương trình thực tập một cách phù hợp". Theo đó họ sẽ giải quyết các vấn đề dai dẳng lâu nay như bảo vệ thực tập sinh và giám sát chặt chẽ các công ty đứng ra thuê người.

Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Yamashita Takashi - Ảnh: AFP

Trong số 759 người khai bị đối xử bất công, 58 người cho biết họ bị trả lương dưới mức tối thiểu, 69 người bị trả lương thấp, 92 người phải chi tiêu vượt quá mức lương đang có cho thức ăn và chi phí sống, 195 người không được trả lương tăng ca, và 231 người khác làm việc không có hợp đồng đầy đủ - vốn phải giao kèo về trả lương làm việc ngoài giờ.

Rất nhiều các vi phạm này được cho là lỗi của bên sử dụng lao động. Chính quyền Nhật vì vậy khi kiểm soát vấn đề, sẽ thực hiện một số bước giám sát, lấy ví dụ sẽ giới thiệu hệ thống mới đòi hỏi phải trả lương qua tài khoản ngân hàng thay vì tiền mặt.

Những con số mới công bố này phản ánh điều kiện làm việc khó khăn cho lao động thực tập sinh nước ngoài, ngay trước khi Nhật Bản chính thức áp dụng chương trình thị thực lao động mới vào tuần sau.

Chương trình này được kỳ vọng sẽ mang về Nhật Bản nhiều hơn nữa các lao động "cổ xanh" - các ngành công nhân, sản xuất, kỹ năng trung bình - từ nước ngoài.

Chương trình thực tập sinh cũ của Nhật được giới thiệu từ năm 1993, với mục tiêu đào tạo và chuyển giao kỹ năng cho công nhân các nước đang phát triển.

Dù vậy chương trình này gặp nhiều chỉ trích trong lẫn ngoài nước, bị cho là núp bóng danh nghĩa chỉ nhằm thu hút nhân công giá rẻ. Nhưng với việc sắp thiếu hụt nhân công nghiêm trọng vì dân số già đi, người Nhật buộc phải mở cửa để đón nhân công nước ngoài bù đắp. Chương trình mới cho mục tiêu này sẽ bắt đầu từ ngày 1-4.

Tại Nhật hiện nay, người lao động dạng thực tập sinh Việt Nam được cho đang là nhóm gia tăng nhanh về số lượng. Chính vì vậy các tin tức liên quan tới người Việt thường xuyên xuất hiện khi đề cập tới lao động nhập cư.

Bản tin của Japan Today cũng dẫn lời một phụ nữ Việt Nam 22 tuổi đang làm việc ở Nhật nói: "Tôi thực sự hiểu tại sao họ muốn bỏ trốn. Bản thân tôi không thể trả nợ nếu tôi không làm việc tăng ca".

Người phụ nữ này được biết đã vay mượn 800.000 yen (hơn 160 triệu đồng) từ bên môi giới việc làm để tới Nhật. Khi đó công ty hoặc cá nhân môi giới đã thuyết phục người phụ nữ này bằng lời hứa sẽ dễ dàng tiết kiệm tiền ở Nhật để trả nợ và kiếm thu nhập.

Nhưng thực tế thu nhập sau thuế của người phụ nữ này mỗi tháng tính ra chưa tới 100.000 yen, tức chỉ hơn 20 triệu.

Theo tuoitre