Ảnh minh họa


Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, bước sang năm 2018, bộ này đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó lao động nữ nâng lên chiếm 40%. Đồng thời tiếp tục giữ vững được một số thị trường truyền thống tiếp nhận lao động Việt Nam như Hàn Quốc; Nhật Bản; Đài Loan (Trung Quốc)...

Để đạt được mục tiêu này, ông Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra nhiều giải pháp, tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý phát sinh liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động. Đặc biệt, đẩy mạnh việc quản lý doanh nghiệp xuất khẩu lao động, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với 3 tiêu chí: chọn đúng người, minh bạch và có kế hoạch khi lao động quay trở về nước.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), một số thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao và ổn định. Đáng chú ý có Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đang được đánh giá là thị trường tiếp nhận nhiều nhất lao động Việt Nam sang làm việc. Tổng số lao động đi làm việc đạt gần 67.000 lao động (trong đó, có 23.530 lao động nữ), chiếm gần 50% tổng số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại các thị trường trong năm.

Những năm qua, thị trường Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Với sự tăng trưởng vượt bậc với 54.504 lao động (24.502 lao động nữ), tăng 36,47% so với năm 2016, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 100 nghìn người, trở thành nước có số lượng thực tập sinh phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản. Đây cũng một trong các thị trường có điều kiện làm việc, thu nhập tốt, được nhiều lao động Việt Nam quan tâm, đăng ký tham gia. 

Tại thị trường Hàn Quốc, hiện có hơn 5.100 lao động, trong đó có 3.023 lao động theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS). Hai nước tiếp tục thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động theo Chương trình EPS và lộ trình giảm lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc; triển khai tổ chức các kỳ thi tiếng Hàn trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, ngư nghiệp và nông nghiệp theo Chương trình EPS năm 2017 cho 18.140 người lao động. Kết quả trúng tuyển đạt tỷ lệ khá cao với 75% trong số 647 người dự thi. 

Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao… tạo ra nhiều cơ hội làm việc hơn nữa cho người lao động Việt Nam khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài. Đây là những tín hiệu tích cực trong việc giữ vững, phát triển thị trường truyền thống và mở rộng, phát triển thị trường lao động ngoài nước mới. Một số thị trường châu Âu cũng đang có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài như: Rumania, Ba Lan, Na Uy bước đầu có lời mời hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, điều dưỡng.

PV