Hàn Quốc có nhiều chính sách khuyến khích người trẻ trong nước
tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài.

Không dám tốt nghiệp

Năm 2011, khi Kim Joo Young, 26 tuổi, bước vào cổng trường đại học, cô không hề nghĩ mình có thể kéo dài chương trình học thêm hai năm nữa. Theo đúng lộ trình, sau khi tốt nghiệp, Kim sẽ gia nhập thị trường việc làm và tìm công việc theo đúng chuyên ngành tài chính của mình.

Tuy nhiên, những nỗ lực tìm việc bất thành vào cuối năm ngoái đã buộc Kim phải trì hoãn kế hoạch tốt nghiệp thêm một năm nữa. “Đúng ra tôi sẽ tốt nghiệp vào đầu năm 2015 sau khi hoàn thành xong mọi chứng chỉ cần thiết nhưng với những tín hiệu ảm đạm từ thị trường việc làm, rất có thể tôi sẽ phải ở lại thêm một vài năm nữa”, Kim chia sẻ.

Cô cho biết thêm, một trong những lý do cô quyết định ở lại trường là vì ở đây cô có thể tiếp cận được những thông tin cần thiết hay những chương trình tuyển sinh cho các sinh viên mới tốt nghiệp. “Nếu bạn tốt nghiệp sớm thì sẽ không tiếp cận được những thông tin này”, Kim nói.

Bên cạnh đó, việc ở lại trường cũng là cơ hội để các sinh viên có thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm, tham gia thực tập tại một số công ty – những yếu tố rất quan trọng  giúp “làm đẹp” hồ sơ ứng tuyển.

“Nhiều sinh viên chấp nhận trì hoãn việc tốt nghiệp thêm vài năm để tận dụng những lợi ích của ký túc xá ở các trường đại học như giá thuê phòng rẻ, an ninh tốt, thông tin tuyển dụng định kỳ… Nếu tốt nghiệp, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực trong bối cảnh thị trường việc làm liên tục đóng băng, số người thất nghiệp ngày càng nhiều”, một chuyên gia xã hội lý giải.

Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc là 3,7% năm 2016 – mức cao nhất trong sáu năm qua. Số lượng thanh niên thất nghiệp thậm chí  cao hơn gấp ba lần con số trên với tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi từ 15-29 lên tới 9,8%. Điều này đồng nghĩa có khoảng 435.000 thanh niên Hàn Quốc đang “vô công rỗi nghề”.

Không chỉ khan hiếm việc làm, nhiều doanh nghiệp lớn lại có xu hướng chỉ tuyển các sinh viên chưa tốt nghiệp đến thực tập. Điều này được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều thanh niên Hàn Quốc trì hoãn, không dám tốt nghiệp.

Lee Min Ok, cử nhân Kinh tế tại ĐH Sogang (Seoul) cũng là  một trong những thanh niên ở lại ký túc xá để tìm việc. Sau 30 lần xin việc thất bại, Lee quyết định ở lại thêm một kỳ học với hy vọng sớm tìm được việc làm khi thị trường việc làm sáng sủa hơn. “Tôi không còn lựa chọn nào khác vì tôi cần thêm thời gian”, Lee nói.

Tìm cơ hội ở nước ngoài

Từ góc độ một chuyên gia tuyển dụng, Hyun Young Eun – tư vấn viên của Công ty JobSeek cho rằng, cô hoàn toàn thông cảm với tình cảnh bế tắc của nhiều thanh niên Hàn Quốc hiện nay.

“Hãy thử tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy tồi tệ như thế nào khi không thể tìm nổi một công việc đúng nghĩa dù bạn đã nỗ lực rất nhiều lần. Chặng đường tìm việc chông gai khiến nhiều thanh niên Hàn Quốc cân nhắc ra nước ngoài tìm việc”.

Vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã trở thành “miền đất hứa” của rất nhiều thanh niên Hàn Quốc do tương đồng về văn hóa cũng như sự sôi động của thị trường việc làm nơi đây.

Ji Eun, 34 tuổi, giáo viên người Hàn Quốc đã chọn công việc giảng dạy tại một trường mẫu giáo quốc tế ở thủ đô Bắc Kinh suốt tám năm qua. Từng học tại Trung Quốc và Mỹ, Ji Eun thông thạo cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh. Là mẫu người phụ nữ Hàn Quốc điển hình, Ji Eun dường như có trong tay mọi thứ, trừ kế hoạch trở lại quê nhà làm việc, bất chấp việc cổ họng của cô thường xuyên bị đau rát do ô nhiễm tại Bắc Kinh.

“Cuộc sống tại Hàn Quốc trên thực tế khó khăn và áp lực hơn rất nhiều so với tại Bắc Kinh. Với những người tốt nghiệp từ trường đại học ít tên tuổi tại Hàn Quốc như tôi, tìm được một công việc làm phù hợp không hề đơn giản”, Ji Eun than thở.

Không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia như Australia, Nhật Bản, Mỹ, Singapore, thậm chí những nước có nền kinh tế kém phát triển hơn Hàn Quốc như Việt Nam hay Senegal…cũng trở thành điểm đến hứa hẹn của nhiều thanh niên nước này.

Sau khi tìm được công việc phù hợp tại một công ty thương mại của Mỹ tại Ethiopia, Park Young Bin, 26 tuổi đã quyết định gắn bó lâu dài với đất nước châu Phi xa xôi này. “Tôi muốn thu nhận càng nhiều kinh nghiệm càng tốt và trở thành một chuyên gia kinh doanh tại khu vực châu Phi”, Park cho hay.

Trước tình trạng ảm đạm của thị trường việc làm trong nước, Chính phủ và Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã có nhiều chính sách khuyến khích người trẻ trong nước tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài. Từ cuối năm 2013, Hàn Quốc đã sáp nhập một số chương trình thực tập dành cho sinh viên ở nước ngoài thành một chương trình thống nhất là K-Move do Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) khởi xướng, đặt trọng tâm chủ yếu vào chất lượng việc làm, tạo điều kiện cho thanh niên hòa nhập và tìm được công việc phù hợp nhất tại nước ngoài.

“Chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu hỗ trợ các bạn trẻ có công việc tốt với mức thu nhập ổn định tại nước ngoài”, Lee Woo Jin – Giám đốc HRD khẳng định.

                                                                                                    Theo Thế giới và Việt Nam