Giá iPhone 6s tại một cửa hàng ở Hà Nội từ 7, 8 triệu đồng cho tới 13, 14 triệu đồng,
được chia thành nhiều loại khác nhau.


   Thị trường iPhone trong nước gần đây được cho là rất hỗn loạn, mất kiểm soát cả giá lẫn chất lượng. Ví dụ, để mua một chiếc iPhone 6s, người dùng khó ước lượng được sản phẩm này có giá bao nhiêu, bỏ ra số tiền như thế nào mới đúng. Tại một số siêu thị hay cửa hàng điện thoại lớn, mẫu này đang có giá khoảng 13 đến 14 triệu đồng, nhưng nếu tìm mua ở các cửa hàng nhỏ hơn thì giá chỉ từ 10 đến 12 triệu đồng. Thậm chí, một số cửa hàng nhỏ còn chào mẫu 6s với giá 5 đến 7 triệu đồng. Màu sắc khác nhau cũng ảnh hưởng tới giá bán, như màu vàng, đen có thể đắt hơn màu bạc, hồng vài trăm nghìn đồng. Trong khi nếu chọn mua ở trang web của Apple hay các cửa hàng Apple ở nước ngoài, iPhone 6s thường có giá cố định và chỉ thay đổi nhờ dung lượng bộ nhớ.

Ví dụ, với mẫu 6s ở trên, cùng được giới thiệu là hàng mới nguyên hộp nhưng chúng được các cửa hàng phân ra thành: Hàng được phân phối chính hãng (do các công ty được Apple ủy quyền tại Việt Nam bán) và hàng xách tay (các loại máy mua ở nước ngoài mang về Việt Nam). Riêng hàng xách tay lại có nhiều loại: máy mới 100%; máy đã kích hoạt hay chưa được kích hoạt; máy trôi bảo hành (thời hạn bảo hành thường không đủ 12 tháng dù máy chưa qua sử dụng). Có cửa hàng còn niêm yết iPhone 6s CPO (Certified Pre-Owned) - cách Apple gọi tên iPhone hàng refurbished (do hãng tân trang) - là hàng mới do nguyên hộp, chưa qua sử dụng và vẫn có bảo hành 12 tháng, vì thế, sẽ có chênh lệch về giá có khi lên tới cả triệu đồng dù bản chất vẫn cùng một model.Theo anh Quỳnh, chủ một hệ thống điện thoại lớn ở Hà Nội, giá iPhone khác nhau là vì có quá nhiều loại hàng trên thị trường và không chỉ đơn giản là chính hãng hay xách tay. Thậm chí, nhiều đến nỗi người bán cũng không thể nhớ hết được.

Sự phức tạp còn "khủng khiếp" hơn đối với iPhone đã qua sử dụng. Đây cũng là loại hàng đang rất phổ biến và được ưa chuộng ở thị trường xách tay hiện giờ. Người dùng có thể bị hoa mắt với đủ các thuật ngữ được các cửa hàng tự đặt cho iPhone.

Ví dụ, "Like New" để chỉ loại hàng có hình thức bên ngoài trông như máy mới, đạt 99%, nhưng khi bán ra thường không có đầy đủ phụ kiện, hộp đựng. Nhưng mới đây lại có thêm loại hàng được gọi là "Near New" với hình thức được quảng cáo là mới hơn Like New, giá cao hơn nhưng vẫn không có đầy đủ hộp đựng mà chỉ khác là có thêm vỏ nhựa cứng trong suốt.Sự phức tạp còn "khủng khiếp" hơn đối với iPhone đã qua sử dụng. Đây cũng là loại hàng đang rất phổ biến và được ưa chuộng ở thị trường xách tay hiện giờ. Người dùng có thể bị hoa mắt với đủ các thuật ngữ được các cửa hàng tự đặt cho iPhone.

Ngoài phiên bản quốc tế, iPhone hàng đã qua sử dụng còn có cả phiên bản khoá mạng (hàng lock) mà khi dùng phải gắn thêm sim ghép. Và ngay cả loại này cũng được chia ra là hàng Nhật hay Mỹ. 

Cùng là hàng qua sử dụng, nhưng có loại hàng được cho là dùng qua ít, chất lượng như mới, còn hàng dùng nhiều, giá rẻ hơn.

Theo anh Quỳnh, khi cửa hàng nhập máy về và trước khi bán ra thị trường, iPhone qua sử dụng được phân loại theo giá và chất lượng với cấp độ như loại 1, loại 2, loại 3 hay loại A, loại B hay loại C. Hàng loại 1, loại A là hàng zin nguyên bản chưa qua sửa chữa, hình thức bên ngoài còn mới hay đẹp. Loại thấp hơn thì có thể đã bị thay vỏ, hay qua sửa chữa, tân trang.

Tuy nhiên, để cạnh tranh và tạo lợi nhuận, cũng có nơi trà trộn, bán hàng cấp thấp thay vì hàng có chất lượng cao hơn. Thực tế, trên các diễn đàn hay mạng xã hội, không thiếu các trường hợp cửa hàng bị tố mập mờ, lừa đảo khi bán iPhone qua sử dụng. 

Theo giới kinh doanh điện thoại trong nước, thời gian tới Apple và đại diện của hãng tại Việt Nam có thể còn đưa ra thêm biện pháp nhằm quản lý thị trường trong nước. 

Đại diện pháp lý của Apple mới đây đã gửi cảnh báo vi phạm tới nhiều cửa hàng bán lẻ điện thoại trong nước vì sử dụng biểu tượng quả táo cắn dở, thương hiệu Apple, iPhone, iPad, MacBook... tại Việt Nam trái phép, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là cửa hàng được uỷ quyền của công ty Apple khi mua và sửa chữa sản phẩm của Apple. Văn bản cũng chỉ ra có thời điểm, các cửa hàng còn kinh doanh "sản phẩm mang nhãn hiệu Apple nhưng không phải hàng chính hãng mà là hàng giả mạo nhãn hiệu".

Ông Quốc Tuấn, một người kinh doanh lâu năm các sản phẩm Apple ở Việt Nam, cho rằng, đây một trong những bước nhằm chấn chỉnh lại thị trường trong nước của Apple, đặc biệt là với iPhone. Mới đây, các trung tâm sửa chữa uỷ quyền của Apple cũng thay đổi cách thức tiếp nhận bảo hành với iPhone không được phân phối chính thức ở Việt Nam (không có mã VN/A). Khi bảo hành, máy mua về từ nước ngoài được yêu cầu có thêm hoá đơn hoặc giấy tờ chứng minh được nguồn gốc. Trong khi một thời gian trước đó, việc bảo hành được chấp nhận ngay cả với hàng xách tay.

  Năm ngoái, Apple đã mở rộng hệ thống phân phối iPhone tại Việt Nam lên gấp đôi, từ chỗ chỉ có FPT Trading và hai nhà mạng trước kia nay có thêm tới ba nhà phân phối nữa, trong đó bao gồm cả hai hệ thống bán lẻ lớn là FPT Shop và Thế giới di động. 

Tuy nhiên, lượng iPhone được phân phối chính hãng trong thời gian qua được cho vẫn chưa đủ để dẹp được nguồn hàng xách tay. Việc giá thường rẻ hơn, mức chênh lệch có thể lên tới hàng triệu đồng khiến nhiều người vẫn thích mua máy không chính hãng và chấp nhận rủi ro. 

                                                                                                              Theo VNExpress