Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, chương trình này mới được Chính phủ 2 nước chính thức ký kết từ cuối năm ngoái, mở rộng hơn cánh cửa cho những người lao động chuyên ngành điều dưỡng, trong đó đa phần là lao động nữ, có cơ hội sang làm việc tại Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục QLLĐNN, đối tượng tham gia là những người tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng. Cục QLLĐNN phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản sẽ giới thiệu cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng và hộ lý để các cơ sở tiếp nhận này lựa chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đạt yêu cầu về chuyên môn, sức khỏe, trình độ Nhật ngữ thuộc một trong hai nhóm đối tượng: Ứng viên điều dưỡng, hộ lý được tuyển chọn để đưa vào đào tạo (miễn phí) tại Việt Nam trong 12 tháng và thi đạt được trình độ tiếng Nhật N3 trở lên; Ứng viên đã có bằng tiếng Nhật trình độ N2 trở lên được miễn tham gia khóa đào tạo 12 tháng tại Việt Nam.

Ảnh minh họa 

Ứng viên điều dưỡng sẽ tạm trú tại Nhật trong 3 năm (mỗi năm gia hạn 1 lần) và thực hiện công việc hỗ trợ điều dưỡng tại bệnh viện nhằm đạt được chứng chỉ điều dưỡng viên để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Ứng viên hộ lý sẽ tạm trú ở Nhật Bản 4 năm (mỗi năm gia hạn 1 lần) và tham gia cung cấp dịch vụ hộ lý tại cơ sở chăm sóc sức khoẻ nhằm đạt được chứng chỉ hộ lý để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản.

“Như vậy, không chỉ được hưởng mức lương khá cao trong thời gian thực tập nghề (130.000-150.000 JPY/tháng, tương đương khoảng 26-30 triệu VNĐ), cùng các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc, mà quan trọng hơn là cơ hội để người lao động Việt Nam được ở lại làm việc lâu dài tại Nhật Bản không hề nhỏ”, ông Liêm phân tích.

Công việc cụ thể, mức lương của các ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản gồm: Chăm sóc sinh hoạt thường ngày của người bệnh (tắm, thay đồ, ăn uống, vệ sinh); hỗ trợ duy trì và mở rộng quan hệ xã hội thông qua hoạt động vui chơi giải trí, phục hồi chức năng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù là công việc được hưởng lương cao, chính sách đãi ngộ tốt, nhưng điều dưỡng viên vẫn không thu hút được nhiều lao động. Nguyên nhân là do tính chất đặc thù của công việc. Đây là công việc khá nặng nhọc, khó khăn khi đối tượng phục vụ thường là người bệnh, người già. Do đó, công việc này thường chỉ dành cho các sinh viên chuyên ngành điều dưỡng, đã được đào tạo bài bản cả về kỹ năng chuyên môn cũng như chuẩn bị tốt về tâm lý để có thể hành nghề thuận lợi.

Hiện tại, việc đào tạo và cung ứng thực tập sinh điều dưỡng cho Nhật Bản mới được thực hiện tại một nơi duy nhất, đó là Trung tâm Lao động ngoài nước (thuộc Cục QLLĐNN, Bộ LĐ-TB&XH). “Cho đến thời điểm hiện nay, tất cả các doanh nghiệp XKLĐ đều chưa được tham gia chương trình này. Nếu có doanh nghiệp nào đăng tuyển dưới mọi hình thức đều là bất hợp pháp”, ông Nguyễn Gia Liêm nhấn mạnh.

Để tham gia chương trình thực tập sinh điều dưỡng tại Nhật Bản trong năm 2019, ứng viên nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục QLLĐNN (số 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thời gian: Đợt 1: từ ngày 23/4 đến ngày 21/5/2018. Đợt 2: từ ngày 22/5 đến ngày 12/9/2018. Cục QLLĐNN sẽ thông báo danh sách ứng viên trúng tuyển trên trang thông tin điện tử của Cục QLLĐNN www.dolab.gov.vn và thông báo qua bưu điện đến địa chỉ ứng viên đã cung cấp trước ngày 31/5/2018 (đợt 1) và trước ngày 30/9/2018 (đợt 2). Ứng viên cần tìm hiểu thêm thông tin có thể liên hệ trực tiếp với Cục QLLĐNN theo số điện thoại (024) 39366633 hoặc (024) 38249517 (số máy lẻ 612).

Theo Phunuvietnam.vn