Ảnh minh họa 

Bộ LĐ-TB&XH vừa phát đi khuyến cáo tới lao động có nhu cầu đi làm nghề giúp việc gia đình tại Ả rập xê út, trước xu hướng gia tăng các vụ việc phát sinh đối với lao động làm công việc trên.

Được biết, các doanh nghiệp XKLĐ đã phái cử khoảng 7.000/20.000 lao động Việt Nam làm công việc giúp việc gia đình làm việc tại Ả rập Xê út.

Nhu cầu tiếp nhận nữ giúp việc gia đình đang tăng cao, yêu cầu tiêu chuẩn lại đơn giản, dễ dàng, chủ không sang Việt Nam tuyển chọn. Trong khi đó, thủ tục đưa và tiếp nhận lao động sang Ả rập Xê út tương đối đơn giản. Người lao động hầu như đi không mất phí trong khi đó doanh nghiệp cung ứng được đối tác trả phí tuyển dụng cao.

Đây cũng là điều khiến số lượng lao động nữ ở nhiều địa phương của Việt Nam quan tâm tới công việc giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, việc gia tăng số lượng người lao động sang làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út cũng làm phát sinh nhiều vụ việc liên quan đến loại hình lao động này. Thống kê cho thấy, vụ việc liên quan tới công việc giúp việc gia đình chiếm tỷ lệ chủ yếu so với lao động các ngành nghề khác.

Các vụ việc phát sinh liên quan đến lao động giúp việc gia đình chủ yếu là: Lao động bỏ trốn khỏi nhà chủ, bị chủ sử dụng bỏ rơi, hành hạ, bị ép làm việc nhiều giờ làm việc trong ngày; bị chậm trả lương hoặc không thích nghi với môi trường làm việc, văn hóa phong tục tập quán, không đảm bảo sức khỏe…

Để hạn chế các vấn đề phát sinh và tự bảo vệ bản thân, Bộ LĐ-TB&XH khuyến cáo người lao động đang có nhu cầu làm công việc giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út một số điều sau:

Về chi phí

Người lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út được chủ sử dụng chịu mọi chi phí đưa sang làm việc tại nước này. Do đó, nếu về nước trong thời gian 3 tháng thử việc mà không có lý do chính đáng thì phải chịu tiền vé máy bay và bồi thường hợp đồng (2-3 tháng tiền lương).

Bộ LĐ-TB&XH lưu ý, đối với những lao động về nước trong thời gian 3 tháng thử việc với lý do chính đáng thì không phải bồi thường và chủ sử dụng sẽ mua vé máy bay cho lao động về nước. Điều này được quy định rõ trong hợp đồng lao động ký giữa chủ sử dụng và người lao động.

Tìm hiểu thông tin

Người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út cần tìm hiểu đầy đủ về quyền, lợi ích và các trách nhiệm của mình.

Khi người lao động đã tìm hiểu kỹ về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong hợp đồng thì mới nên đặt bút ký. Khi đã ký hợp đồng với chủ sử dụng lao động, người lao động và chủ sử dụng đều phải thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký.

Bên cạnh đó, lao động có nguyện vọng đi làm giúp việc gia đình ở Ả rập Xê út cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan: Thông tin về các doanh nghiệp đưa đi (đã được cấp phép chưa), thông tin về hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài (đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện chưa), thông tin và pháp luật liên quan của Việt Nam và Ả rập Xê út…

Sự khác biệt văn hoá

Ả rập Xê út là một nước Đạo Hồi với văn hóa, thực phẩm và điều kiện khí hậu khác xa so với Việt Nam, người lao động đi làm việc tại Ả rập Xê út cần phải tìm hiểu thông tin về tất cả những điều nêu trên để có sự chuẩn bị tốt nhất về tâm lý trước khi đi, từ đó tránh bị sốc, chán nản khi tới nơi làm việc.

Đặc thù của công việc giúp việc gia đình là giờ làm việc kéo dài, nơi làm việc và ăn ở cùng với gia đình chủ… nên dễ xảy ra những hiểu lầm.

Vì vậy, lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út cần phải lưu ý về những đặc thù của công việc GVGĐ và chủ động học ngoại ngữ để có thể giao tiếp cơ bản với chủ sử dụng, tránh những hiểu lầm đáng tiếc.

Theo Dân trí