Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tuyển chọn lao động thuộc 4 tỉnh bị ảnh hưởng của sự cố môi trường Ảnh: Internet
Các thị trường được người lao động chọn đi làm việc gồm Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và tập trung ở các ngành nghề: thuyền viên tàu cá, sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp, làm công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm dưỡng lão và hộ gia đình.
Cụ thể, có 10.255 lao động đi làm việc ở thị trường lao động Đài Loan gồm: Hà Tĩnh có 6.135 lao động, Quảng Bình có 3.340 lao động, Quảng Trị có 696 lao động và Thừa Thiên Huế có 84 lao động.
Thị trường Nhật Bản đã tiếp nhận 4.498 lao động: Hà Tĩnh có 2232 lao động, Quảng Bình có 1306 lao động, Quảng Trị có 614 lao động, Thừa Thiên Huế có 346 lao động.
Đối với thị trường Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH chủ trương ưu tiên tuyển chọn lao động các địa phương này đi XKLĐ theo các chương trình tàu đánh cá gần bờ, xa bờ và chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) trong ngành ngư nghiệp. Tính đến 31/5/2017, số lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc tại 4 tỉnh là 1.122 lao động.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đã làm việc với phía Hàn Quốc để tăng hạn ngạch tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp năm 2016 lên 1.800 lao động và không áp dụng việc tạm dừng tuyển chọn đối với các huyện ven biển của các địa phương bị sự cố môi trường có tỉ lệ lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao như: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Bố Trạch, Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình).
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét, bổ sung nguồn vốn cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm cho 4 tỉnh, đồng thời chỉ đạo các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH tại 4 tỉnh tăng cường tần suất các phiên giao dịch việc làm. Đặc biệt đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các cụm huyện, cụm xã ven biển, những địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.
Cung cấp các thông tin về chỗ việc làm trống, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, kết nối với các Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh bạn để tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm, tham gia các khóa chuyển đổi nghề nghiệp.
Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tuyển chọn lao động thuộc 4 tỉnh bị ảnh hưởng của sự cố môi trường để đưa đi làm việc trong các ngành nghề phù hợp, tập trung vào các ngành ngư nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy sản.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, ước tính sơ bộ có khoảng 263.000 lao động đang bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa gây ra. Trong đó, 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, 163.000 lao động bị ảnh hưởng gián tiếp. Trong đó có nhiều ngư dân tại 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
                                                                                                                                                                            Theo baohaiquan.vn