Ảnh minh họa


Bệnh nghề nghiệp ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người lao động. Trong năm 2017, tổng số lao động tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là hơn 295.000 trường hợp (số lao động nữ được khám là hơn 81.000 người). Trong đó, có hơn 3.800 trường hợp phát hiện bị mắc các bệnh nghề nghiệp. Số lao động nữ được phát hiện bị bệnh nghề nghiệp là 198 người, chủ yếu là bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp, bụi phổi silic...

Trả lời PV Báo PNVN, bà Lương Mai Anh, Cục phó Cục quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, cho biết: Số lượng người được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp năm 2017 tăng gần gấp đôi so năm 2016. Trong đó, các bệnh nghề nghiệp phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng là bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.

Theo bà Mai Anh, đây là thực tế rất đáng báo động, cần phải nâng cao nhận thức của chủ sử dụng và người lao động, làm sao đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ), phòng tránh các bệnh nghề nghiệp. Trên thực tế, người lao động đã mắc bệnh nghề nghiệp thì khả năng điều trị là rất hạn chế; thậm chí phải giảm, dừng tiếp xúc để tránh gia tăng bệnh nghề nghiệp. Như vậy cũng đồng nghĩa người lao động phải nghỉ việc để đảm bảo sức khỏe.


Ảnh minh họa



Theo quy định, các cơ sở sản xuất phải lập hồ sơ để xác định mức độ, nguy cơ gây điếc nghề nghiệp; hoặc bệnh bụi phổi silic, bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp… Qua đó có những biện pháp dự phòng phù hợp. Cùng với đó, các cơ sở phải quan trắc môi trường lao động 1 năm/lần để đánh giá về độ đảm bảo môi trường sản xuất về tiếng ồn, bụi, ánh sáng… Đồng thời chủ sử dụng lao động phải tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp với người lao động thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.

Riêng với lao động nữ, theo bà Mai Anh, hiện nay đã có những quy định cụ thể như với ngành nghề nặng nhọc độc hại không được sử dụng lao động nữ đang mang thai, có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện để đảm bảo phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho đối tượng đặc thù này.

Bà Mai Anh cho biết thêm: Hiện nay, việc phòng ngừa bệnh nghề nghiệp còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đơn vị thực hiện các quy định nêu trên còn rất thấp. Có tới 80% các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định về quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe cho người lao động. Bên cạnh đó, nhận thức của người lao động, chủ sử dụng chưa thực sự coi trọng vấn đề sức khỏe người lao động.

Cùng với đó, tai nạn lao động cũng đang có xu hướng tăng và phức tạp hơn. Năm 2017, trên toàn quốc đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 9.173 người bị nạn, bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Trong đó, nạn nhân là lao động nữ có tới 2.727 người.


Những con số này được Ban Chỉ đạo Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động Trung ương họp báo thông tin về tháng An toàn vệ sinh lao động lần thứ 2 năm 2018, ngày 18/4. Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ LĐ-TB&XH), nguyên nhân của các vụ TNLĐ chủ yếu do người sử dụng lao động chiếm tới hơn 45% số vụ; trong đó, chủ sử dụng không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện ATLĐ hoặc huấn luyện ATLĐ chưa đầy đủ cho người lao động; sử dụng thiết bị không đảm bảo ATLĐ; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân  trong lao động...

 
So với năm 2016, năm 2017, số vụ TNLĐ tăng thêm 161 vụ; số nạn nhân tăng 101 người; trong đó số nạn nhân là nữ tăng lên thêm 26 người. Số tỉnh, thành có đông người chết vì TNLĐ chủ yếu ởTP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh… Tai nạn xảy ra chủ yếu tập trung ở các lĩnh vựcxây dựng chiếm 20,8% tổng số vụ tai nạn và 19,7 % tổng số người chết; sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,2 % tổng số vụ và 8,8 % tổng số người chết; lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Theo Phunuvietnam.vn