Dự kiến, tháng 4-2019 là lúc chương trình cấp thị thực (visa) mới của Nhật sẽ được áp dụng. Những người làm luật hi vọng chính sách mới sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống và môi trường làm việc cho lao động nước ngoài, cũng như xóa đi vai trò của dân môi giới việc làm bất hợp pháp.

Ngăn môi giới trục lợi

Nhật Bản đang kỳ vọng thu hút nhiều lao động nước ngoài nhờ vào loại visa ưu tiên cho lao động có kỹ năng đặc biệt. Chương trình visa này nằm trong những sửa đổi về Đạo luật Kiểm soát nhập cư và công nhận tị nạn của chính phủ.

7 nước nằm trong diện cần đàm phán song phương về vấn đề lao động - gồm Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Campuchia, Thái Lan hay Myanmar - cũng nằm trong diện được xem xét, trong khi một quốc gia còn lại (chưa biết là nước nào) vẫn đang trong quá trình thảo luận với phía Nhật, theo báo Mainichi (Nhật Bản).

Nikkei Asian Review ngày 12-12 cho biết các thỏa thuận song phương này không cần thiết phải được Quốc hội Nhật phê chuẩn. Thay vào đó, nó là kết quả từ các yêu cầu từ những nước khác, trong đó có Việt Nam, về việc bảo vệ quyền lợi của công dân khi làm việc trên đất Nhật.

Trong các thỏa thuận này, chính phủ Nhật muốn xây dựng một bộ khung cho phép cảnh sát thu thập thông tin về những nhà môi giới việc làm muốn trục lợi từ lao động nước ngoài ở Nhật.

Hiện tại, với hệ thống "thực tập sinh" mà Nhật áp dụng cho công nhân nước ngoài lâu nay, các tay môi giới thường cậy vào đó thu phí từ người lao động, bắt họ phải trả tiền thế chân rất cao.

Nhưng nếu các thỏa thuận song phương của Nhật và 8 quốc gia châu Á được thông qua, cơ quan thực thi pháp luật của Nhật và nước đối tác sẽ chia sẻ thông tin với nhau để phát hiện môi giới bất hợp pháp.

Cải thiện môi trường sống và làm việc

Chính sách mới của Nhật ngoài ra cũng đi kèm hàng loạt điều chỉnh nhằm đảm bảo cải thiện mức sống, môi trường và điều kiện làm việc cho công nhân nước ngoài.

Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật đang thiết lập các bộ hướng dẫn cho những tổ chức tài chính, nhằm giúp lao động nước ngoài sở hữu tài khoản ngân hàng dễ dàng hơn. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ người lao động quản lý lương bổng, vốn dĩ là điểm trở ngại dành cho những người đang làm việc theo hệ thống thực tập sinh, vì họ thường chỉ nhận lương bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó, các quy định mới của chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu các công ty trả lương cho lao động nước ngoài bằng hoặc cao hơn chuẩn lương cho lao động trong nước.

Nếu có mâu thuẫn về lương, việc trả bằng tài khoản ngân hàng chính là cách để chính phủ dễ quản lý và rà soát hơn.

Về ngân sách cho kế hoạch này, dự kiến trong năm tài khóa 2019, chính phủ Nhật sẽ dùng 20 triệu cho đến 30 triệu yen (177 tới 265 triệu USD) cho các cơ sở giáo dục và dạy giao tiếp tiếng Nhật cho các nhóm ngành.

Mainichi cho biết sẽ có khoảng 100 trung tâm tư vấn, đặt tại toàn bộ 47 vùng ở Nhật. Các trung tâm này sẽ là nơi tiếp nhận và giải quyết tất cả những vấn đề cuộc sống hàng ngày của công nhân.


Theo Tuổi trẻ