Lao động nữ làm việc tại Nhật Bản

130.000 lao động đi nước ngoài mỗi năm

Năm 2006, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật số 72/2006/QH11 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 72) và có hiệu lực kể từ 01/7/2007.

Theo UBTVQH, kể từ khi có Luật số 72, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. 

Đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người lao động ra nước ngoài làm việc, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn lao động thông qua một bộ phận lao động tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, sự hình thành khối cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép tự do di chuyển trong khối ASEAN dẫn đến việc xuất hiện nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới trong thời gian gần đây chưa được quy định trong Luật số 72. Điều này gây khó khăn trong việc hướng dẫn thi hành Luật và công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc nảy sinh: Điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế...

Thực trạng này đòi hỏi Chính phủ đưa Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, việc sửa luật là cấp thiết, nhằm đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây.

"Việc sửa luật cũng điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân" – ông Dung cho hay.

Cần cụ thể hóa trong luật các hành vi nghiêm cấm

Về các nội dung lớn của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, thực chất phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã mở rộng hơn so với hiện hành, tuy nhiên, Luật chưa bao quát được các nội dung "chính sách đối với người lao động sau khi về nước", "Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước"; chưa xác định rõ phạm vi điều chỉnh đối với nhóm người lao động được tự do di chuyển trong cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc sửa luật cần đặc biệt quan tâm đến hoạt động của ngành nghề đưa lao động ra nước ngoài làm việc trong bối cảnh lao động giản đơn dần được thay thể bởi robot, hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn.

Theo bà, dự án Luật này phải gắn việc làm trong nước với làm việc ở nước ngoài để sau khi người lao động hết thời hạn làm việc ở nước ngoài về nước có thể tìm được việc làm, tiếp tục chính sách bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, cần phải thiết kế trong luật để bảo vệ người lao động cũng như chính sách cho người lao động khi quay trở về nước thay vì chỉ tập trung vào các quy định để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Việc cải cách thủ tục hành chính tạo minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài làm việc cũng cần quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi bất chính, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các hành vi nghiêm cấm cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong quy định của Luật.

"Tôi đề nghị làm rõ hơn việc quy định đơn vị sự nghiệp công lập địa phương đưa lao động đi lao động nước ngoài; cân nhắc lại đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật là "công dân xuất cảnh hợp pháp theo các mục đích không phải lao động, sau đó tìm được việc làm để cư trú và làm việc hợp pháp theo quy định của nước sở tại" để phù hợp với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật" - bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý dự thảo Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các văn bản với tinh thần đạt được yêu cầu thể chế đường lối, chính sách của Đảng về việc đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, không chỉ lao động mà còn nâng cao tay nghề, tri thức để quay về đóng góp, xây dựng đất nước.

"Tôi đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng các nội dung của Luật, nhất là trong thời điểm thế giới có nhiều biến động, khó lường, phức tạp, khó đoán định về kinh tế, quan hệ cung – cầu, tác động sau đại dịch Covid-19" - bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Nhật Lam