Ảnh minh họa

Thực tế, trong những năm gần đây, số lượng thị trường XKLĐ của Việt Nam có giảm đi so với thời kỳ hưng thịnh nhưng số người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài lại không ngừng gia tăng. Theo đó, mỗi năm Việt Nam đưa hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài, riêng trong 10 tháng đầu năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 106.127 lao động, đạt 101,07% kế hoạch năm 2017 và bằng 107,84% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhật Bản và Đài Loan là hai thị trường dẫn đầu về số người Việt Nam đang làm việc, chiếm hơn 90% tống số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Các thị trường đã phát sinh một số vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng ổn định và phát triển thị trường. Do xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh, ngoài việc thanh, kiểm tra chặt chẽ khâu cấp phép, Bộ LĐTBXH đã thu hồi giấy phép của hơn 40 DN thời gian qua.

Trước đó, cơ quan chức năng áp dụng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên các văn bản hướng dẫn còn chưa rõ ràng hoặc chồng chéo, dẫn đến hoạt động XKLĐ không minh bạch. Nỗ lực hoàn thiện dự thảo nghị định quy định hướng chi tiết dẫn thực thi Luật được đánh giá là sẽ góp phần hạn chế những phát sinh tiêu cực.

Đánh giá về dự thảo này, ông Phạm Đỗ Nhật Tân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động (VAMAX), cho rằng, bước đi này nhằm hoàn thiện, bổ sung thêm Nghị định 126, có điều chỉnh các vấn đề do thực tế phát sinh.

Cụ thể, dự thảo khắc phục được các bất cập về cấp đổi giấy phép; trong danh mục cấm có thay đổi 1 số nội dung để tăng cơ hội tiếp cận cho cả DN và người lao động. Ở một số thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Đài Loan, Ả Rập, dự thảo nêu rõ được các điều kiện đối với lao động, DN, trong đó tập trung chủ yếu vào khâu đào tạo, tránh tình trạng người lao động không được trang bị đủ hành trang trước khi đi. Đồng thời, các con số về chi phí cũng được yêu cầu nêu rất rõ ràng, hạn chế tối đa được việc lạm thu, trục lợi.

"Công tác tổ chức thực hiện với các bộ, ngành liên quan được cụ thể hóa thêm một bước trong dự thảo với các công việc rất rõ ràng cho thấy hướng đi tích cực của Bộ LĐTBXH. Đây là cơ sở để tin vào việc thời gian tới, công tác XKLĐ sẽ hạn chế được nhiều bất cập", ông Tân nói.

Theo Lao động