TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.

Thưa Tiến sĩ, sự lên ngôi của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại cơ hội và những thách thức to lớn như thế nào đối với con người?

Khái niệm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được đề xuất lần đầu tiên ở Đức năm 2013. Cuộc Cách mạng này đã và đang diễn ra với tốc độ vũ bão. Hiện nay, chưa thể dự báo được đầy đủ, chính xác về quy mô, phạm vi và tác động của nó nhưng các nghiên cứu đều cho rằng đây là sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện nhất trong lịch sử loài người.

Người ta hy vọng có thể tạo ra cho mỗi người một quả tim thứ hai để cấy thay quả tim trong cơ thể khi bị bệnh. Người ta cũng hy vọng dùng máy tính kết nối với não người bại liệt cho phép người bệnh đi lại được; sự xuất hiện ô tô điện, máy bay và tàu thủy tự lái,...sẽ làm thay đổi hoàn toàn ngành giao thông - vận tải.

Cách đây 15 năm, con người muốn chụp ảnh phải mua phim, rửa phim, rửa ảnh, trả tiền. Giờ đây, mỗi ngày người ta chụp hàng tỷ bức ảnh không mất xu nào. Đặc biệt, đã xuất hiện nền kinh tế chia sẻ như cho thuê nhà, xe ô tô hay sử dụng chung các thiết bị nhờ kết nối qua mạng. Xã hội kết nối  năng động hơn, sản phẩm mới thay thế sản phẩm cũ nhanh chóng hơn. Chậm là chết, là tụt hậu xa hơn.

Thời CMCN 4.0, vấn đề việc làm cho con người gặp nhiều thách thức to lớn. Những công việc sản xuất công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp sẽ được thay thế bằng người máy. Người lao động cần được đào tạo lại và làm việc khác,...

Theo ông, phải có những tiêu chí gì để trở thành người lao động 4.0?

Có thể dự đoán rằng người lao động trong CMCN 4.0 sẽ sẵn sàng học tập cái mới, sáng tạo, chấp nhận thay đổi nghề nghiệp cũng như chỗ làm việc. Người lao động sẽ phải có tinh thần học tập suốt đời, không ngơi nghỉ. Đồng thời, con người phải có kỹ năng sống và giao tiếp quốc tế, thông thạo những ngoại ngữ chính, hiểu biết cơ bản về công nghệ thông tin.

Dự kiến, những việc như rửa bát, trực bệnh viện, tổng hợp tin tức từ báo chí sẽ được người máy và trí thông minh nhân tạo thay thế. Trong khi đó, bác sỹ chữa răng hay cô giáo mẫu giáo sẽ vẫn do con người thực hiện.

Tay nghề, thể lực lao động của người Việt Nam còn nhiều hạn chế trong khi tác phong, kỷ luật công nghiệp chưa cao. Đồng thời, năng suất lao động của ta cũng thua xa các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Phải chăng đây là vấn đề đáng lo ngại khi chúng ta hòa mình trong CMCN 4.0?

Lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ, giản đơn của Việt Nam trong ngành dệt may đã và sẽ bị giảm sút. Lao động Việt Nam phải được đào tạo có trình độ chuyên môn cao hơn. Đồng thời, chúng ta phải làm chủ được người máy, công nghệ thông tin, phần mềm hay làm việc trong những dịch vụ du lịch, y tế, chăm sóc người già…

Xã hội Việt Nam phải cởi mở và linh hoạt hơn, sẵn sàng đón nhận cái mới, đổi mới tư duy, thay đổi giáo điều, những thói quen truyền thống bị thực tế đào thải. Nhà nước, trường học, doanh nghiệp phải có chính sách trọng dụng nhân tài. Chúng ta phải dần chấp nhận sự đa dạng, những ý kiến hay giải pháp khác nhau hướng tới phục vụ đất nước, dân tộc có hiệu quả nhất.

Ở Mỹ, 40% luật sư mới ra trường thất nghiệp vì trí thông minh nhân tạo có thể tra cứu một vụ việc bất kỳ liên quan đến những luật nào chỉ trong vòng 60 giây. Trong khi việc này một luật sư giỏi có làm hàng giờ cũng chưa xong. Tại Việt Nam, trong lĩnh vực sản xuất các loại áo sơ mi giản đơn, công nhân sẽ bị thay thế bằng hệ thống dây chuyền tự động có năng suất lao động cao hơn 500% so với người bình thường. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được việc đưa ra quyết định về chiến lược của công ty, hay hoà giải khi có tranh chấp. Có nghĩa là những hiểu biết về công việc, con người vẫn còn chỗ đứng trong những lĩnh vực cụ thể.

Để “chắp cánh” cho người lao động, theo ông, vai trò của ngành giáo dục ở đâu?

Chúng ta sẽ chứng kiến những chiếc áo có Internet, những cái kính có Internet. Chúng ta cũng sẽ chứng kiến người máy tiếp đón mình ở tòa án, ở bệnh viện. Điều đáng nói, đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng từ cuộc cách mạng không ai khác chính là trí thức như bác sỹ, luật sư, kiểm toán viên hay những người làm trong ngành tài chính.

CMCN 4.0 sẽ len lỏi vào từng gia đình. Vì thế, nền giáo dục Việt Nam phải thay đổi cơ bản. Thay vì học thuộc lòng, gọi dạ, bảo vâng, giáo viên phải dạy cho học sinh sự sáng tạo. Chúng ta phải giúp trẻ biết thảo luận, tranh luận, đặt câu hỏi và đề xuất ý kiến mới, lật ngược những mệnh đề xưa cũ.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

                                                                                         Theo Thế giới và Việt Nam