Ta thương khoảng trời bé nhỏ của ngày xưa, thương những tháng ngày hồn nhiên và trong veo đầy ắp kỷ niệm. Đôi khi, ta lần tìm theo ký ức, để được trở về hình ảnh của mình ngày xa xưa, một ta khác ta của hiện tại, một ta hồn nhiên không biết đến muộn phiền...

Ta nhớ ngày đầu tiên đôi chân ta rụt rè đi trên cỏ, ta nhớ ánh mắt trìu mến khích lệ của mẹ, nhớ giọng mẹ cười ấm áp trước mỗi bước chân ta đi. Ta nhớ mẹ đã ẵm ta trên tay xoay vòng khi ta đi được một quãng đường ngắn. Ta nhớ mẹ òa khóc mỗi khi ta té ngã, mẹ hạnh phúc khi ta ăn ngon, ngủ tròn giấc và lớn lên mạnh khỏe. Những khoảng trời thơ ấu có mẹ là khoảng trời yêu thương mà mỗi lần tìm về lòng ta lại thấy mình rưng rưng trong hạnh phúc mà cũng bồi hồi những nhớ nhung…

Ta nhớ bà của ta, mỗi khi bà cười trông hiền lành phúc hậu như một bà tiên trong những câu chuyện cổ tích. Thế giới tuổi thơ của ta thật may mắn khi có bà bên cạnh. Bởi vì có bà, thế giới tâm hồn ta bao giờ cũng ăm ắp yêu thương. Bà thương cháu nên bao giờ cũng để dành những quả chín hái trong vườn nhà, những bánh trái quê nhà đều do một tay bà tự làm lấy. Với bà, vì yêu thương không có gì là cực nhọc, ta lớn lên với bao bánh trái quê nhà để mỗi lần đi xa bao giờ cũng rưng rưng thương nhớ. Đàn cháu của bà dù lớn thế nào thì trong mắt bà, chúng vẫn mãi bé bỏng như ngày xưa.

Ta thương ông bờ vai gầy ốm yếu. Thương dáng người nhỏ nhắn của ông mỗi khi nhìn ông múc nước dưới giếng sâu. Sợi dây dài được ông thả xuống giếng, cố giữ không cho va vào thành đá, ông múc lên những gàu nước trong veo và mát rượi. Ta đứng dưới vai ông, ôm lấy ông và hí hửng đợi những gàu nước mát lạnh ông xối xuống người. Cái mát lạnh sảng khoái từ những gáo nước trong vắt của giếng làng đôi lần vẫn làm ta tần ngần mỗi khi nhớ lại. Ta nhớ những chiều cùng ông đi câu cá, bắt cào cào về nuôi chào mào. Nhớ ngày mưa cùng ông đi thả lưới, bắt cua. Sông quê hiền hòa như lòng ông, những dòng chảy ăm ắp phù sa như những yêu thương ông dành cho đám cháu. Khoảng trời kỷ niệm có dáng hình ông thi thoảng lại nhắc ta tìm về căn nhà nhỏ để được sống lại tháng ngày chộn rộn niềm vui con trẻ.

Ta thương những buổi chiều ngồi bên bàn học, bên ngoài hiên hoa sứ rơi từng chùm, ngõ nhỏ bao mùa rêu phong phủ kín. Nhịp thời gian cứ yên ả trôi… Mùa hè, đám bạn í ới nhau sau cánh cửa, bèn lẳng lặng gập sách vở theo chân bạn ra sân chơi đùa. Những trò chơi như nhảy dây, lò cò, trốn tìm, đuổi bắt… trở thành một kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ. Ta lớn lên, tìm đến chân trời khác, mỗi khi nghĩ về bao giờ cũng thấy luyến tiếc ngày xa xưa.

Ta thương ký ức của mình như thương cây mận già trước hiên nhà mà tuổi thơ từng trèo hái. Những trưa hè căng gió, ta cùng đám bạn nghịch ngợm mang theo chén muối ớt rồi trèo lên cây vừa vặt quả vừa ăn. Có những hôm gãy cành suýt ngã mà vẫn không chừa, tuổi thơ nghịch ngợm leo trèo luôn bị bố mẹ la mắng, đánh đòn nhưng mỗi khi có đứa bạn nhắc lại, ta lại cười hồn nhiên như đứa trẻ hôm nào.

Có những ngày thèm được nghe tiếng ru hời trong những trưa hè hanh hao nắng, thèm được nghe tiếng võng kêu kẽo kẹt hòa trong tiếng nan tre. Thèm được hít hà mùi rơm rạ ngoài đồng, được hít căng lồng ngực cơn gió đồng hoang hoải. Thèm được trở về trong những buổi trưa hè nghe bà hát ru, cùng đám bạn lang thang đi hái quả rừng.

Khi người ta lớn lên, người ta cần những điểm tựa êm ái để ru mình trong những ngày trở gió, cần những phút giây tĩnh lặng để tìm lại chính mình của ngày xưa. Không có bờ vai để gục đầu nương tựa và òa khóc như ngày còn thơ bé, không còn những nụ cười hồn nhiên thuở xa xưa nên ta lại mơ về một căn nhà ngoài ngoại ô với mảnh vườn, hàng cau, giếng nước để tự ru mình sau những ngày bộn bề đua chen nơi phố thị. Đó là khoảng trời nhỏ nơi cất giữ giùm ta những tháng ngày yêu dấu dẫu cho bao cách xa xóa nhòa năm tháng, khoảng trời ấy vẫn vẹn nguyên như ngày nào.

Trần Nguyên Hạnh (baodaklak)

Theo Quehuongonline.