Những hành động hết sức tình cảm của mẹ và con gái - Ảnh: MAI THƯƠNG

Mẹ ở thời nào cũng dành tình thương cho con, chăm lo, định hướng con bằng tình thương, kinh nghiệm của mình trên tinh thần lắng nghe, hiểu con.

Nhưng trước việc đặt vấn đề: "Ai cũng nói dạy con thời này khó, vì con chịu tác động của nhiều thông tin, mối quan hệ mở rộng không chỉ ở trường, xung quanh mà còn trên mạng. Điều này có đúng không?", ba người mẹ tham gia cuộc trò chuyện đã bày tỏ:

- Chị VŨ THỊ THOẠI DIỄM (biên tập viên Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM): Thời này con cái được tiếp xúc nhiều thông tin, và trong đó nguồn thông tin trên mạng khá thách thức cha mẹ. Khi bé xem gì trên mạng, mình cũng phải coi để hiểu, nếu không, mẹ với con mỗi người một thế giới.

Chị Vũ Thị Thoại Diễm

- Chị NGUYỄN THỊ LỆ DIỄM (chủ cửa hàng kinh doanh ở Q.9, TP.HCM): Có, nhưng không hẳn như vậy. Thời nào cũng có những khó khăn, vấn đề là do mình tiếp nhận và xử lý nó như thế nào cho hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Lệ Diễm

- Chị NGUYỄN THỊ MỸ DUYÊN (nhân viên Ngân hàng Á Châu, Q.Bình Tân, TP.HCM): Dạy con thời nào cũng có cái khó cái dễ. Con cái thời xưa không có mạng Internet cũng gặp hạn chế, thiệt thòi ở việc tiếp cận những thông tin mới nhất ngoài xã hội. Con cái thời nay được lợi thế hơn, được tiếp xúc, va chạm rất nhiều môi trường như bạn bè ở trường, xung quanh, trên mạng...

Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên - Ảnh: NVCC

Theo đó, con biết ở ngoài còn có những người bạn, không chỉ quanh quẩn với những người thân trong nhà, con va chạm nhiều càng trải nghiệm nhiều, tiếp xúc nhiều càng biết được nhiều, còn biết đâu là điều xấu hay tốt thì do môi trường mà ba mẹ chọn. (Hồi trước tôi chọn môi trường chung cư để ở cũng một phần vì con, bởi ít nhất môi trường này cũng đỡ phức tạp hơn).

Tiếp xúc thông tin trên mạng cũng vậy, quan trọng ba mẹ cho con xem những cái gì, hướng con đến những điều gì.

Mẹ là bạn của con

* Vậy thời này, người mẹ phải như thế nào để có thể "theo kịp" con trẻ?

- Chị NGUYỄN THỊ LỆ DIỄM: Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ như hiện nay, việc nuôi dạy con cũng có hai mặt, dễ mà khó. Dễ là vì khi gặp một vấn đề ngoài tầm với thì công nghệ sẽ giúp chúng ta. Khó là vì có quá nhiều thông tin làm chúng ta khó khăn trong việc lựa chọn và quyết định. Nhưng dù khó hay dễ người mẹ sẽ luôn tìm tòi, học hỏi không ngừng, chọn lọc những điều hay để có thể định hướng và nuôi dạy con một cách toàn vẹn nhất.

Người mẹ nên đặt vai trò là người bạn để đồng hành, chia sẻ và lớn lên cùng con trong mọi hoàn cảnh. Luôn khuyến khích, bao dung và tôn trọng con trong mọi vấn đề hơn là so sánh, chê trách hay áp đặt quyền của một người mẹ đối với đứa trẻ.

- Chị VŨ THỊ THOẠI DIỄM: Tôi nghĩ cha mẹ nên làm bạn với con. Các con có những biểu hiện nhiều khi khiến tôi bất ngờ vì những điều đó mình không có dạy. Do vậy, đừng vội phản ứng, cần theo sát con, tìm hiểu những điều con tiếp xúc, rồi mình phải học làm mẹ nữa.

Chúng ta cứ nghĩ con không hiểu gì vì còn nhỏ nhưng thực ra các con hiểu hết, nên cứ trao đổi với con như một người lớn vậy. Làm mẹ cũng như đang trải nghiệm một khóa học. Làm mẹ thời nay phải cập nhật thường xuyên, ngoài việc chăm sóc thể chất, việc quan tâm chia sẻ kỹ năng trong cuộc sống rất quan trọng.

- Chị NGUYỄN THỊ MỸ DUYÊN: Thời này người mẹ phải đặt mình ở vị trí của con, cùng chơi với con, cùng học, cùng hoạt động với con... để hiểu và chia sẻ cùng con, biết được điểm mạnh điểm yếu của con để hoàn thiện con tốt hơn.

Cho con khám phá thế giới bên ngoài

* Trở lại thực tế của gia đình mình, các chị đã nuôi - dạy con như thế nào?

- Chị NGUYỄN THỊ MỸ DUYÊN: Ông bà xưa nói "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính", tôi chỉ biết cố gắng chọn môi trường tốt nhất cho con phát triển, còn con phát triển như thế nào phải đợi kết quả. Khi mình để con được làm những điều con thích, con muốn, con yêu thích... con sẽ phát triển hết khả năng.

- Chị NGUYỄN THỊ LỆ DIỄM: Tôi không so sánh mà luôn tôn trọng và tạo điều kiện phù hợp nhất, tốt nhất để con phát triển.Bé nhà tôi vừa được 2 tuổi, đây là tuổi đang phát triển và khám phá nên tôi tạo không gian, khuyến khích, lắng nghe và chơi cùng con để giúp bé phát triển toàn diện hơn.

Mỗi tuần tôi sắp xếp thời gian cho con ra ngoài khám phá thế giới bên ngoài, chơi cùng các bạn khác để xem bé có nhường nhịn, chia sẻ đồ chơi cùng bạn, bé có nhút nhát khi giao tiếp hay xử lý vấn đề có tốt không...

Hoặc tôi luôn hướng dẫn, động viên và khuyến khích bé tìm hiểu, khám phá các đồ vật trong nhà, từ các dụng cụ, hoa, quả... đến cách tận dụng các đồ phế thải, tái chế thành món đồ chơi thú vị cho con (lõi cuộn giấy thành ống nhòm, hộp sữa thành xe buýt, giấy không xài thành chiếc quạt tay...).

Bên cạnh đó, vấn đề dinh dưỡng cho con cũng cần được chú trọng để bé phát triển tốt cả thể chất lẫn tinh thần.

- Chị VŨ THỊ THOẠI DIỄM: Tôi chú trọng đến giáo dục nêu gương bởi cha mẹ không làm được như điều mình nói, con sẽ thất vọng và hoài nghi. Ví dụ, tôi bảo con (3 tuổi) khi uống nước đừng vội vàng nhưng một lần đi về, quá khát nước nên tôi uống ừng ực.

Con thấy và phản ứng, kiểu sao tôi lại không uống từ tốn như đã dạy con. Hay có lần tới đèn đỏ, ba bé quẹo phải (ở một nút giao thông mà xe được quẹo) thì bé cảm thấy không hài lòng vì cứ nghĩ ba không tuân thủ luật đèn đỏ phải dừng. Điều đó cho thấy không phải con trẻ không để ý, ngược lại con rất quan sát.

* Cảm ơn các chị, chúc các chị Ngày của Mẹ thật hạnh phúc!

TS Phạm Thị Thúy

Muốn con không "nghiện" điện thoại…

Đồng hành, dõi theo con là điều người mẹ thời nào cũng cần làm như một cách để hiểu con, vun vén cho con lối sống tốt đẹp. Ở Việt Nam, mạng xã hội khá phát triển nên gia đình cần giám sát con trong chuyện sử dụng mạng. Ở gia đình tôi, con trẻ có thể sử dụng mạng để học và chơi nhưng có nguyên tắc cụ thể.

Không có máy vi tính trong phòng riêng của con, cả nhà chỉ có máy ở phòng khách dùng chung. Qua đó, cha mẹ có thể gần gũi, tìm hiểu con đang tham gia vào "thế giới" nào, rồi hướng dẫn con về cách thức phòng tránh những cái không hay trên đó, đồng thời nhờ con dạy mình cách tham gia mạng xã hội bởi các con có khi còn rành hơn mình.

Tôi vẫn thường giới thiệu con các ứng dụng hay, rồi hỏi con có gì mới cập nhật cho mẹ. Làm bạn với con bằng cách như vậy chính là đồng hành, đi bên cạnh con. May mắn, chồng tôi làm lĩnh vực công nghệ nên có thể can thiệp, tạo các bức tường lửa ngăn các trang không tốt. Nhưng nếu gia đình không có người rành công nghệ cũng có thể nhờ kỹ thuật làm để giúp con tránh tiếp xúc với các nội dung không lành mạnh.

Ngày nay, nhiều người mẹ dễ dãi trong chuyện cho con tiếp xúc với điện thoại. Tất nhiên, việc nghiện điện thoại, mạng xã hội là điều không tốt, nhiều cha mẹ muốn định hướng con "nói không" thì bản thân mình phải thay đổi trước.

TS PHẠM THỊ THÚY (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia tại TP.HCM)

Theo tuoitre