Ảnh minh họa

Không mấy bà mấy cô chịu nhìn thấy công lao của chồng là quan trọng. Dưới mắt họ, chồng luôn “vô tích sự”, vì bây giờ hầu như phụ nữ nào cũng đi làm và có thu nhập. Về đến nhà là việc nhà, con cái lu bu đến nỗi có cô nghĩ sao chỉ có mình chống chọi thế này?

Việc nội trợ xưa nay không thành vấn đề cho tới khi xã hội phát triển hơn, vấn đề giải phóng phụ nữ đi dài dài chưa đến đích, cho thấy bên trong cái nhà ấy bao nhiêu nặng nhọc.

Là bởi tất cả những gì giúp cho con người sống được một cách tươm tất, chính là cái “tổ ấm” được quy vào trách nhiệm đàn bà (đàn bà xây tổ ấm). Và lúc đó phụ nữ lại được... phong tướng (nội tướng). 

Vậy mà đàn ông hết thảy đều bảo “nộp tiền lương cho vợ” và sinh nạn “quỹ đen” - tiền thu từ các khoản khác không nằm trong bộ nhớ của vợ thì ngu gì không giữ xài?

Dưới mắt thiên hạ, đàn ông như bị… “bóc lột” nặng nề nhất và luôn được coi là nguồn sống chính của gia đình.

Bây giờ ở các đô thị, người ta không khó nhìn thấy cảnh sáng Chủ nhật (hoặc ngày lễ, ngày nghỉ trong năm) anh chồng trẻ giỏi giang làm cho công ty nước ngoài, tiếng Anh như gió, chở “các sếp” của nhà mình đi ăn tiệm. Sếp nhất thì váy áo sành điệu. Sếp nhí gái và trai diện áo thun quần jeans hàng hiệu đang mốt. Sếp nhất cứ việc ngồi ăn thong thả, các sếp nhí có nhu cầu gì thì bố giải quyết hết. Đúng là “chuẩn văn minh”.

Bà mẹ chồng xưa thờ chồng thờ cả… con nữa, may mà không thấy cảnh này. Giờ đây đã già, ở quê xa, chứ không thì nhìn thấy cảnh con mình biến thành… vệ sĩ cho cái “đám sinh sau đẻ muộn” kia, không biết sẽ nghĩ gì.

Các mẹ bỉm sữa bây giờ nuôi con, còn phải chọn giữa một rừng sữa ngoại, cho đi học võ vẽ đàn ca chứ đâu chỉ học chữ. Trong các cuộc thi khiêu vũ hoặc thể thao, thấy “lòi đâu ra” lắm đứa bé tí đã nhảy nhoay nhoáy đủ các vũ điệu nhà nghề, không biết nó… học từ lúc nào. Mới biết bây giờ các mẹ chăm con không chỉ có cơm no áo ấm, đi học chữ “trăm sự giao cho nhà trường thầy cô” là xong.

Nhìn các cuộc “biểu tình” nhỏ ở cổng trường quốc tế dạo nào xem. Có cả biểu ngữ nhé. Các mẹ đòi giải thích chuyện thu học phí. Còn ngày thường, có khi giờ thể dục, bơi lội của con, có mẹ cũng vào “quan sát” và đề xuất ý kiến “cho cháu bơi giờ này có sớm quá không, vì nước còn lạnh…”.

Cứ quan sát thế, thấy công người vợ người mẹ ngày càng to, đứa con chịu áp lực sau này buộc phải “học giỏi, làm bài điểm cao, thi đâu đỗ đó, lớn chút làm “thần đồng” tiếng Anh, đi thi toán lý hóa… rồi phải đậu các trường lớn và du học… Những chuyện này ít thấy bóng các ông bố, mà bà mẹ mới sát sao và… tinh vi hơn.

Đứa con cũng gần mẹ hơn và lúc bé yêu mẹ hơn. Đứa nào yêu ba là do ba chở đi chơi, mua cho đồ chơi mắc tiền mơ ước, chứ còn mẹ “phục vụ trăm thứ li ti” là nghĩa vụ tất nhiên.

Vậy nên vợ luôn thấy mình là trụ cột, không được… nhờ chồng. Thấy chỉ có mình “trên khắp các mặt trận”. Đấy mới nói chuyện ở nhà. Còn vào kinh doanh xem thử, bao nhiêu nữ giám đốc, trưởng phòng, bao cô sắc sảo phụ trách kinh doanh. Nếu là làm ăn tư nhân nữa thì càng phải sát sao. Bà vợ kiểm soát từng nhân viên đến nỗi các cô các cậu chỉ mong bà chủ đi vắng, để ông chủ giải quyết còn dễ thở hơn.

Xem ra phụ nữ đã làm chủ khắp nơi. Vậy mà truyền thông ở mọi cấp đều nhắc đến phụ nữ như một đối tượng phụ thuộc, chịu bất bình đẳng, kìm hãm… thật… thiếu bao quát!

Trong khi, kẻ nam nhi một cổ mấy tròng vẫn luôn phải nhận những cảm thán: “Không nhờ được cái gì”, “không được tích sự gì, đi cả ngày”. Thử hỏi, có… công bằng không? 

Theo phunuonline