Trong văn hóa Ấn Độ, màu hồng hoặc đỏ thường là sự lựa chọn cho trang phục cô dâu. Người phụ nữ đã lập gia đình với cô gái chưa chồng ở nước này được phân biệt bằng một dấu chấm đỏ ở giữa trán, gọi là Bindi. Người đã có gia đình sẽ có một Bindi, được tin là con mắt thứ 3 có khả năng bảo vệ gia đình của họ.

Nigeria là một nước lớn với khoảng 250 nhóm sắc tộc và hơn 500 ngôn ngữ. Do đó, lễ cưới thay đổi tùy theo vùng, tôn giáo và sắc tộc. Cô dâu Nigeria thường mặc quần áo màu sắc rực rỡ và đội mũ Gele trong đám cưới.

Quần áo cưới truyền thống của người Hutsuls ở vùng núi Carpat, Ukraine rất nhiều màu sắc và đám cưới của họ cũng rất sống động với các điệu khiêu vũ, trò chơi cùng các câu chuyện cười.

Đám cưới truyền thống ở Ghana thường rất nhiều màu sắc. Mỗi gia đình sẽ có mẫu vải riêng của mình và chỉ may riêng cho cô dâu và chú rể.

Ở Kazakhstan, các cô dâu thường đội một chiếc mũ gọi là "Saukele" có gắn màn che mặt. Saukele thường được chuẩn bị rất lâu trước khi các cô gái đến tuổi kết hôn.

Tại Nhật Bản, cô dâu thường mặc một bộ kimono màu trắng trong các buổi lễ chính thức, tượng trưng cho sự tinh khiết và tình trạng "vẫn còn độc thân". Sau buổi lễ, cô dâu sẽ mặc bộ kimono màu đỏ tượng trưng cho may mắn.

Trong lễ cưới Mông Cổ truyền thống, cô dâu và chú rể mặc trang phục có tên gọi là Deel. Đó là loại quần áo được mặc trong nhiều thế kỷ của Mông Cổ và các bộ tộc du mục khác ở Trung Á.

Trong lễ cưới, đàn ông ở Scotland thường mặc những chiếc váy kẻ karo, còn cô dâu mặc váy trắng và quấn một chiếc khăn choàng được trang trí cùng màu sắc với trang phục của chồng.

Ở Trung Quốc, màu đỏ tượng trưng cho may mắn, tránh xa tà ma. Trang phục truyền thống của cô dâu chú rể nước này luôn là màu đỏ rực rỡ.

Tại Na Uy, trang phục cưới truyền thống được gọi là Bunad. Nó cũng có thể được mặc trong những dịp khác như tiệc tùng hoặc lễ rửa tội.

Tại Hungary, trang phục cô dâu thường bao gồm một chiếc váy thêu hoa với ba màu sắc tươi sáng và một chiếc mũ hoa cầu kỳ.

Theo VnExpress

Ảnh: Borepanda