Hai con gái thi xong, tôi đưa về An Giang thăm ngoại. Định vài ngày trở lên nhưng dịch ập đến và kẹt lại ở quê đến nay gần ba tháng. 

Anh chị tôi ở xa, má ở nhà với cậu cháu nội ngủ ngày thức đêm, nên má vò võ ra vô trong căn nhà rộng mênh mông. Ba mẹ con tôi về, má tíu tít và bận rộn với hai đứa nhỏ cả ngày. Ăn sáng vừa xong, má đã lúi húi vào bếp chuẩn bị bữa trưa. Má tôi rất mê nấu ăn. Thời thiếu nữ, má là con gái út của thầy sửa trật tay chân nổi tiếng ở Long Xuyên. Trong nhà có người làm nên má không phải đụng tay bếp núc. Má học ở ngôi trường nổi tiếng của tỉnh là Thoại Ngọc Hầu. Hết giờ học thì phụ ông ngoại bốc thuốc. 

Lấy chồng, từ cô gái thành thị má một bước “đổi đời” thành... nông dân thứ thiệt. Nhà nội tôi làm hơn 200 công ruộng, ba má tôi vừa quản lý, vừa trực tiếp làm. Khi sức khỏe yếu, má không phải ra ruộng, thì phải chăm ba tôi bị bệnh tai biến mạch máu não, nằm một chỗ 13 năm. Vì vậy, má không biết và không có nhiều cơ hội nấu món - như cách má gọi.  

Ở tuổi xế chiều, má mày mò học nấu ăn. Ở các đám giỗ, cưới nhà hàng xóm, má thành phụ bếp nhiệt tình nhất và cao tuổi nhất. Ở tuổi 75, má học cách nấu cà ri, nấu cù lao, vịt nấu chao... và những món đơn giản như cá kho tộ ngon, cá kho ngon. Đến nay, má tôi trở thành đầu bếp lành nghề ở tuổi 87. Má cứ trông ngóng con cháu về để má trổ tài và ba mẹ con tôi xuất hiện trong mùa dịch thật đúng lúc. 

Ngày nào cũng vậy, cứ chiều, là má hỏi ba mẹ con tôi đúng một câu hỏi: “Ngày mai ăn món gì?”. Tôi vừa sợ má vất vả, vừa ăn uống đơn giản nên nói: “Má ăn gì con ăn đó”. Nhưng, mỗi sáng má gửi mợ út Vị nhà kế bên đi chợ mua gà, vịt, heo, bò... Bữa tôi ăn bò kho, bữa vịt nấu chao, bữa gà nấu đậu...

Trong mắt má, mẹ con tôi từ vùng dịch về sẽ đói và thiếu thốn nên má ra sức tẩm bổ, trong khi tôi rất ngán các thể loại thịt và phải toáng lên: “Con chỉ muốn ăn món quê thôi, má ăn cái gì, con ăn theo cái đó”. 

Qua hôm sau, má nấu canh chuối xiêm chín, cá lòng tong kho tiêu, bí rợ hầm dừa, lươn hấp bún tàu, lươn kho sả, ếch nướng lá lốt, cá lóc chiên xù, gỏi đu đủ tép, khô cá lóc trộn lá sầu đâu, sim - lo (bắp chuối nấu với đầu khô cá lóc) - đây là món ăn của Campuchia, mà tôi biết trong một lần đi công tác ở xứ sở Chùa tháp và giật mình khi được đãi món ăn y hệt má tôi nấu ngày tôi còn bé. Sau đó, người phiên dịch mới giải thích đây là món như canh chua quen thuộc của người dân nơi đây. 

Mỗi ngày, má làm đầu bếp chính, còn tôi lặt rau, rửa rau. Nấu xong, hai má con dọn ra sàn nhà ngồi ăn (nhà có bàn ăn nhưng má chỉ thích ngồi ăn dưới sàn như mấy chục năm qua). Vừa ăn, má vừa bày tôi công thức nấu ăn kèm bí quyết như “làm lươn với tro sẽ không bị tanh”, “nấu canh chua ngon và thơm thì phải có hỗn hợp: bằm tỏi sống, dầu ăn, nước mắm và rau canh chua cho vào nồi khi tắt bếp”... 

30 năm nay sống xa nhà, những ngày về quê của tôi toàn vội vã, bữa ăn chỉ nói được dăm câu rồi tôi trở lại Sài Gòn tất tả mưu sinh. Nhưng lần về này, má con tôi có nhiều thời gian thong thả, nên trong bữa cơm má hay kể cho tôi nghe chuyện tình của ba má ngày xưa. Sau khi cưới về, ba tôi vẫn ham vui, tối vác cây đàn guitar phím lõm đi đờn ca tài tử đến khuya, hoặc sáng hôm sau mới về. Một năm sau, ba tôi bị bệnh nặng, việc nhà, đồng ruộng trong ngoài má đều gánh vác. 

Lâu nay tôi chỉ biết một bà má hồn hậu, vui vẻ và hay giúp đỡ mọi người. Tôi không biết rằng má đã trải qua chuỗi ngày làm vợ, làm dâu cực khổ trăm bề. Trước đây, tôi chỉ nghe má kể bà nội khó - và chỉ dừng lại đó. Má không có chút giận hờn, hay trách bà nội. Đến giờ, sau hơn 40 năm nội tôi mất, má vẫn cúng cơm nội mỗi ngày trong bữa ăn. Và lễ tết, đám tiệc, khi có ý kiến, hay tranh cãi gì thì má phân xử bằng câu: “Ngày xưa bà nội con làm vậy, ngày xưa bà nội con nói vậy...”. Vì vậy, tôi không biết má từng có nỗi khổ làm dâu. 

Những ngày dịch được ở bên má, cho tôi hiểu thêm về người mẹ - mà tôi tưởng rằng mình đã biết hết. Được ở bên cạnh má ở tuổi xế chiều của má, và má được ở bên con cháu trong những ngày dịch khắc nghiệt này, đó là niềm vui, hạnh phúc mà má con tôi đều trân quý. Ở tuổi U50, ngày ngày vẫn được má chăm sóc, nấu ăn, và hai con tôi được má ru ngủ mỗi ngày. Tôi biết đó là phúc phần của mình và điều này như là vắc-xin giúp má con tôi vượt qua những ngày dịch. 

Theo phunuonline