Ông bà luôn bảo bọc, chăm sóc con cháu. (ảnh minh họa).

Lễ tết tôi bận rộn việc nhà mình, khi rảnh rỗi lại ham vui đi du lịch. Tôi như thế bởi nghĩ rằng cha mẹ vẫn còn đó, vẫn ở đấy chờ tôi và đối với cha mẹ thì tôi luôn còn bé. Thế rồi sau nhiều chuyện liên tiếp xảy ra, tôi bàng hoàng tự nhủ mình phải "lớn lên", sự lớn lên muộn màng ở tuổi 37.

Tôi bắt đầu nhận thức về sự mất mát, trải nghiệm cảm giác trống vắng khó tả kể từ sau khi mẹ chồng mình qua đời cách đây hơn một năm. Bà sống chung với vợ chồng tôi 7 năm, cho tới ngày rời cõi tạm. Trước đó bà rất khỏe mạnh, một tay bà chăm sóc con cháu cho tôi yên tâm đi làm.

Là con dâu nhưng tôi cũng ỷ lại vào bà, hay nhờ bà ủi giúp các cháu bộ đồng phục, cắm giùm nồi cơm khi hai vợ chồng đi làm về trễ. Thậm chí bà còn bắt xe ôm đến trường đón con gái út hộ chúng tôi.

Trước đây tôi hay cằn nhằn mẹ chồng: “Sao đêm bà không ngủ mà thức khuya dậy sớm, sao tới bữa mẹ không ngồi ăn cơm cùng cả nhà mà cứ loay hoay mãi. Sao mỗi lần gia đình đi chơi, mẹ làm gì lâu thế, mãi mới ra xe…”

Đi làm về là tôi chạy ào vào phòng. Mẹ hỏi có gì ăn không, thậm chí tôi còn lăn luôn ra giường ngủ thiếp đi. Tôi yên tâm ngủ, bởi biết mẹ sẽ đỡ cho tôi, nhỡ tôi ngủ quên mẹ luôn nấu cơm giùm. Chồng tôi cũng ỷ lại mẹ chẳng kém: “Mẹ pha giúp con ly cà phê đi mẹ, mẹ khâu giúp con cái nút áo với…”

Cơn bạo bệnh ập xuống bất ngờ, mẹ chồng tôi nằm liệt giường hơn hai tháng, sau đó bà bỏ chúng tôi ra đi. Đến tận bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn ngủ mơ thấy mẹ đứng dưới bếp lặt rau. Trong giấc mơ, tôi òa khóc gọi mẹ: “Ơ mẹ à, mẹ khỏi ốm rồi hả mẹ?”.

Là đàn ông, chồng tôi không nói ra, nhưng tôi biết sự mất mát trong anh rất khủng khiếp. Kể từ khi bà mất, anh hay ngồi hút thuốc lá và nằm dài ra ở ghế sofa nơi đặt tủ thờ có hình bà. Anh thắp nhang cho mẹ đều đặn ngày hai lần sớm tối.

Tôi thương chồng, bởi cha chồng đã mất cách đây 7 năm và giờ anh cũng không còn mẹ, có khác gì đâu một đứa trẻ mồ côi. Dù đã bạc đầu nhưng vẫn là mồ côi khi mất cha, mất mẹ.

Bây giờ, càng ngày tôi càng giống mẹ chồng. Tôi cũng loay hoay khi cả nhà đã ngồi vào bàn ăn cơm, tôi luôn bước ra cổng muộn nhất sau cả nhà mỗi lần gia đình cùng nhau đi đâu đó. Nửa đêm đang ngủ, nghe tiếng mưa tôi cũng giật mình choàng tỉnh, mắt nhắm mắt mở chạy lên sân thượng kiểm tra lá có làm tắc cống, nước mưa tràn vào nhà không.

Vì tiện cho em trai tôi học đại học, bố mẹ đẻ của tôi vừa chuyển vào TPHCM sinh sống. Thế là sau nhiều năm xa nhà, bây giờ tôi có dịp ở gần bố mẹ, các con tôi được gần gũi ông bà ngoại. Nhà ông bà chỉ cách nhà tôi chừng 2 km.

Cứ rảnh phút nào, vợ chồng tôi lại chở con qua nhà ông bà. Trưa đi làm về tôi cũng ghé nhà ông bà, nằm lăn ra chiếc ghế sofa mà nũng nịu xin mẹ ly nước mát. Chiều nấu cơm có món ngon tôi lại múc vào cà men để chồng xách qua mời ông bà cùng ăn.

Tôi thủ thỉ với chồng: “Ông bà nội mất rồi, còn mỗi ông bà ngoại, anh cùng em chăm sóc bố mẹ nhé!”. Chúng tôi hay ngồi lặng im ngắm mẹ từ phía sau, xót lòng khi thấy dáng mẹ tôi hao gầy. Mẹ đã trở nên chậm chạp, tóc bạc và rụng đi rất nhiều. Bố tôi lưng cũng đã còng, làn da đã rõ những đốm đồi mồi.

Phải rồi, chúng tôi cũng bước vào tuổi trung niên, cácc con tôi thì đang thành thanh niên, thiếu nữ. Thời gian thì cứ vô tình trôi, mà cha mẹ đâu sống đời cùng con cháu...

Theo phunuonline