Ảnh minh họa.

Tham dự buổi tọa đàm có bà Karin Müller - Vụ trưởng phụ trách Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen; ông Phạm Trường Giang - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt, Cộng hòa liên bang Đức; bà Dương Thị Việt Thắng - Bí thư thứ nhất, Trưởng Bộ phận Giáo dục và lưu học sinh, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức; ông Kambiz Ghawami - Chủ tịch tổ chức WUS; Ban lãnh đạo trường VGU cùng nhiều bạn sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Đức.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, bà Karin Müller đã bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển của trường VGU, đồng thời khẳng định VGU đóng một vai trò quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong quan hệ hợp tác giáo dục giữa Chính phủ hai nước Đức và Việt Nam nói chung và giữa bang Hessen với Việt Nam nói riêng.

Bà Karin Müller cũng một lần nữa khẳng định Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ cho sự phát triển của VGU.

Tại buổi tọa đàm, sau phần trình bày và giới thiệu của Hiệu trưởng trường VGU, giáo sư-tiến sỹ Tomas Benz, về mô hình hoạt động chung cũng như những dự án phát triển sắp tới của VGU, Phó Hiệu trưởng phụ trách Đào tạo VGU - tiến sỹ Hà Thúc Viên cho biết mô hình của trường Đại học Việt-Đức là dựa trên nền tảng, phát triển theo mô hình quản trị và nguyên tắc hàn lâm của các hệ đại học ở Đức, để từ đó hướng tới trở thành một trường đại học có chất lượng đào tạo và nghiên cứu xuất sắc trong tương lai. 

Theo tiến sỹ Hà Thúc Viên, bên cạnh việc cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho đất nước, VGU cũng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam theo mô hình đại học Đức.

Ông cũng cho biết với mục tiêu trở thành một trường đại học nghiên cứu xuất sắc, Ban lãnh đạo VGU mong muốn thông qua buổi tọa đàm này sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều giáo sư, các bạn nghiên cứu sinh trẻ Việt Nam đang theo học tại các trường Đại học ở Đức có tâm huyết, có năng lực để sau khi trở về nước có thể tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu của trường.

Về phần mình, đại diện Tổ chức Hỗ trợ Đại học Thế giới (WUS), tiến sỹ Kambiz Ghawami, khẳng định dự án VGU là dự án có một không hai và có ý nghĩa to lớn trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Đức và Việt Nam.

Thông qua VGU, nước Đức đã mang tới Việt Nam một mô hình đào tạo chất lượng, một chương trình đào tạo nghiên cứu quản lý hành chính theo tiêu chuẩn của Đức.

Theo ông Ghawami, quyết định thành lập VGU là một quyết định đúng đắn, thể hiện tầm nhìn xa của chính phủ hai nước khi Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều tiềm năng và mục tiêu lớn như xây dựng các thành phố thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0... VGU chắc chắn sẽ có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong quá trình phát triển bền vững.

Ông cũng cho biết thêm chính quyền bang Hessen đã ký thỏa thuận coi Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.

Thông qua WUS, bang Hessen đã cung cấp hơn 4.000 học bổng cho sinh viên Việt Nam để hỗ trợ các em trong học tập cũng như tiếp nhận hàng trăm nghiên cứu sinh Việt Nam sang nghiên cứu tại các trường đại học của bang.

Trường Đại học Việt- Đức là trường đại học công lập đầu tiên ở Việt Nam được thành lập trên cơ sở thỏa thuận liên Chính phủ và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2008 tại tỉnh Bình Dương.

Đến nay sau 10 năm hoạt động, phía Chính phủ liên bang Đức cũng như Chính quyền bang Hessen đều đánh giá trường Đại học Việt-Đức là một trong hai dự án hải đăng của Chính phủ hai nước và cũng là dự án hợp tác đại học thành công nhất trong các dự án mà Chính phủ Đức và bang Hessen đã hợp tác từ trước đến nay./.

Theo TTXVN/Quehuongonline.vn