Trần Thu Hiền biểu diễn múa để quảng bá văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế. 

Mong cô dâu Việt hạnh phúc

Sau khi tốt nghiệp khoa Sinh học (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), cô gái Hà Nội Trần Thu Hiền đã sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc. Tình yêu với một người bạn khác giới bản xứ đã giữ cô lại nơi này.

Hiền siêu tiếng Trung nên cô và người bạn trai không có rào cản về ngôn ngữ khi yêu cũng như trong cuộc sống tại gia đình chồng sau này. Cũng nhờ vậy mà Hiền nhận được sự yêu thương của chồng và gia đình. Nhưng Hiền thấy rằng, bên cạnh Hiền, cuộc sống của nhiều chị em Việt Nam chưa được viên mãn như mình.

Những lúc gặp khó khăn họ không biết phải đi gặp ai nhờ giúp đỡ. Vì thế, Hiền đã đăng ký vào làm cho Trung tâm Phục vụ Công nhân và Di dân thành phố Tân Trúc với cương vị là người xử lý án. Nhờ vậy, Hiền đã có điều kiện để gặp gỡ các chị em đồng hương, nghe họ tâm sự về khó khăn của mình.

Có người chưa kiếm được việc làm, người thì cuộc sống hôn nhân xa xứ chưa như mong muốn, người còn thiếu kiến thức pháp luật sở tại. Lại có chị do không biết tiếng Trung nên khó chia sẻ được với chồng và người thân trong gia đình chồng…

Tùy vào từng tình huống, hoàn cảnh mà Hiền nhẹ nhàng tìm cách tháo gỡ. Quan điểm của Hiền là phải làm sao để giải quyết vấn đề tận gốc, giúp cô dâu Việt tìm được hạnh phúc, tự tin và nhận được sự tôn trọng của gia đình chồng.

Hiền nhận thấy, đối với hôn nhân có yếu tố nước ngoài, việc vợ chồng thấu hiểu ngôn ngữ của nhau rất quan trọng. Vì thế, cô luôn muốn tham gia vào các lớp dạy tiếng Việt cho các ông chồng lấy vợ Việt và dạy tiếng Trung cho các cô dâu Việt lấy chồng Đài.

Năm 2012, Hiền bắt đầu chính thức đứng lớp dạy tiếng Việt tại trường ĐH Cộng đồng Trúc Đông và sau đó là trường ĐH Cộng đồng Trúc Bắc, huyện Tân Trúc. Học viên trong lớp học của Hiền rất đa dạng như chồng của các cô dâu, các cháu mang hai dòng máu “Việt-Đài”, cán bộ của các công ty, người Đài Loan muốn học tiếng Việt để sang Việt Nam làm ăn, hay giảng viên đại học…

Trần Thu Hiền (bìa phải, hàng trước) và lớp học tiếng Việt.

Những năm tiếp đó, Hiền được nhiều trường mời đến dạy tiếng Việt tại trường như trường tiểu học Tiêm Sơn, trường ĐH Cộng đồng Miêu Lật và trường THPT Hưng Hoa (đều ở huyện Miêu Lật). Nhiều công ty Đài Loan cũng mời cô đến dạy tiếng Việt cho các cán bộ người Đài và dạy tiếng Trung cho các cán bộ người Việt của công ty.

Hiện nay, Hiền còn là thành viên của Ban dự giờ trong việc dạy thử bộ sách tiếng Việt tại các trường tiểu học do Bộ Giáo dục Đài Loan xuất bản và dạy học cho những lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt do Bộ Giáo dục Đài Loan mở.


Xứ giả truyền bá văn hóa Việt

Với Hiền, dạy tiếng Việt không chỉ là qua những con chữ, những bài học khô cứng mà ngôn ngữ còn là kết tinh của văn hóa. Vì thế, Hiền dạy tiếng Việt nhưng còn đảm nhiệm vai trò của một xứ giả truyền bá văn hóa Việt.

Cô mang vào bài giảng các bài hát, những câu ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích Việt Nam. Cô cùng với học viên tìm hiểu và nấu món ăn Việt. Cô cũng giới thiệu để học viên biết về trang phục truyền thống áo dài Việt Nam.

Hiền còn tận dụng cả sức mạnh của công nghệ, để bài giảng trở nên sinh động hơn. Dạy đến hoa sen, cô trình chiếu qua power point hình hoa sen và  bài múa hoa sen do cô và học sinh lớp múa của cô biểu diễn; dạy tới phong tục Tết Việt, cô chiếu hình hoa đào, bánh chưng xanh. Cô còn cho học sinh xem các clip giới thiệu về phong cảnh của đất nước hình chữ S xinh đẹp. Đó cũng là lý do vì sao, nhiều học viên của cô tâm sự: Họ rất thích tiếng Việt và tiếng Việt thật hay và đẹp.

Hiện nay, trung bình một tuần, Hiền dạy khoảng 13 tiết tiếng Việt. Điều khiến cô hạnh phúc là càng ngày, trong lớp lại thêm đông các ông chồng Đài Loan. Có người tâm sự: “Tôi đi học tiếng Việt để hiểu hơn về vợ mình”.

Thậm chí có lớp còn có cả học viên là các bà mẹ chồng người Đài Loan. Các bà rất tự hào vì có con dâu Việt Nam. Có gia đình cả vợ chồng đều về Việt Nam kinh doanh, mẹ chồng ở lại học tiếng Việt, học xong sẽ về Việt Nam ở hẳn với gia đình con dâu. Ngoài ra, nhiều em bé là con của các căp vợ chồng Việt-Đài, nhờ học tiếng Việt mà đã có thể tự tin gọi điện về quê ngoại hỏi thăm ông bà thay vì phải nhờ mẹ phiên dịch như trước.

Hàng năm, Hiền (còn có tên gọi khác là Bibi Tran) vẫn về Việt Nam vừa để thăm gia đình, vừa sưu tầm thêm các tài liệu dạy tiếng Việt, giáo cụ, biểu tượng văn hóa Việt  để mang sang Đài Loan (Trung Quốc). Hiền luôn tự hào giới thiệu với mọi người ở Đài Loan mình là phụ nữ Việt Nam. Hiền tâm sự: Cô luôn tự hào vì có thể khẳng định vị thế của người phụ nữ Việt ở Đài Loan (Trung Quốc).

Thu Hiền còn là một giáo viên dạy múa khá nổi tiếng ở Đài Loan (Trung Quốc). Trước đây cô đến nhiều thành phố ở Đài Loan để dạy múa cho các cô dâu Việt như thành phố Đài Bắc, Đào Viên và Đài Trung. Nay do công việc bận rộn nên cô chỉ đảm nhiệm giảng dạy môn múa tại trường ĐH Cộng đồng Trúc Tiệm. Hiền tự biên đạo nhiều điệu múa truyền thống của Việt Nam như múa quạt, múa nón, múa hoa sen... để dạy cho các cô dâu Việt và học viên người Đài Loan, Trung Quốc. Nhiều điệu được cô sử dụng nhạc nền chính là âm nhạc truyền thống Việt như Việt Nam quê hương tôi, Hồn Sen Việt, Hồn Quê, Trống Cơm… Cô thườngcùng học viên đi biểu diễn tại nhiều nơi ở Đài Loan để giới thiệu, quảng bá về văn hóa và các điệu múa của Việt Nam.



Hoàng Vũ