Thuận và Mochizuki khi mới quen tháng 5/2015. Ảnh: M.T.

Sau một ngày làm việc ở viện dưỡng lão thuộc thành phố Toride (tỉnh Ibaraki), Mỹ Thuận (31 tuổi) chẳng vội về nhà. Cô tạt qua vườn rau sau cơ quan, loay hoay ngoài vườn đến tối muộn vì trong nhà mọi việc đã có bố mẹ chồng và chồng cô, anh Mochizuki Shungo, 27 tuổi lo liệu. Cả nhà ưu tiên thời gian cho Thuận đi làm và chăm vườn rau - thú vui của cô khi sang Nhật.

Mỹ Thuận sinh ra trong một gia đình nghèo ở Phù Ninh (Phú Thọ). Bố bị mất sức lao động, cả nhà chỉ trông chờ vào người mẹ làm thuê. Từ năm cấp 2, Thuận đã tự nuôi gà, vịt lấy tiền đóng học. Sau này cô đi làm công nhân để lấy tiền học trung cấp dược, trước khi vay mượn để đi du học Nhật.

Sang Chi Ba (Nhật) tháng 9/2014, Thuận đi học tiếng nửa ngày ở trường, còn lại lao vào kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí và trả nợ. Song, thực tế không dễ dàng như cô tính.

Ban đầu cô xin được việc trong một xưởng cơm hộp, cách chỗ ở 2 tiếng đi tàu. Đứng lâu bị chóng mặt, nhiều lúc cô "cảm giác mình đang chạy chứ không phải dây chuyền chạy". Đến buổi thứ tư suýt bị ngất trong xưởng, cô bỏ việc.

Sau vài tuần thất nghiệp, cô được nhận vào làm trong một công ty bánh mỳ. Chính nơi đây cô gặp Mochizuki. Làm cùng một ca, những lúc cô làm không kịp hay làm sai, Mochizuki đều âm thầm sửa lại mà không nói.

Tan làm, hai người ngồi cạnh nhau trên băng ghế chờ tàu. Mochizuki chủ động bắt chuyện. Những ngày sau, anh thường chờ để đi cùng chuyến tàu với cô tới chỗ làm, cứ vậy suốt 3 tháng. "Tôi để ý cô ấy ngay từ lần đầu gặp. Dáng cô ấy nhỏ bé, tôi thấy đáng yêu, muốn che chở", anh nói.

Sau này mỗi người mỗi việc, anh vẫn âm thầm ở bên giúp đỡ, như bảo lãnh để cô thuê phòng trọ, đến đồn cảnh sát xin xe đạp lúc cô để sai chỗ. Thậm chí có lần anh còn vác xe đạp bị khoá 2 km từ bến tàu về phòng trọ, để ngày hôm sau cô không phải đi bộ.

Mochizuki muốn được che chở Thuận ngay lần đầu gặp khi thấy cô bé nhỏ, đáng yêu. Ảnh: M.T.

Tháng 3/2015, Thuận xin được việc ở nhà hàng thịt nướng, làm từ chiều tối đến đêm muộn mới về. Chính nơi đây thay đổi hoàn toàn con người cô. 

Đó là một ngày thứ 6, Thuận đã muốn bỏ việc và viện cớ nghỉ, dù hôm đó quán đông khách nhất trong tuần. Hôm sau, cô chuẩn bị tinh thần "bị mắng sẽ lấy cớ đó nghỉ việc luôn". Nhưng chủ quán ứng xử như chưa có chuyện gì xảy ra.

"Lúc đó mình thấy xấu hổ, tội lỗi vô cùng. Tự hứa với lòng sẽ cố gắng và chứng minh mình không kém cỏi", cô bộc bạch.

Sau đó là chuỗi ngày Thuận quay cuồng vừa làm, vừa học việc. "Tôi nhận lương cho một giờ làm 60 phút nên sẽ làm không thiếu dù chỉ một phút", Thuận nói. Sự nghiêm chỉnh của cô cuối cùng cũng được ghi nhận. 

Tất cả những gì Thuận trải qua, Mochizuki Shungo gần như chứng kiến hết. Anh càng khâm phục nghị lực của cô. Mỗi lần cô bị điều đi làm xa, cũng chính anh đưa cô đến và đứng chờ để đưa về. "Nhờ có anh ấy mà tôi luôn có cảm giác an tâm trước bất cứ khó khăn", cô chia sẻ.

Dù vậy, tình cảm của Thuận dành cho anh chưa nhiều. Mỗi lần anh nói muốn lấy cô, Thuận đều lảng tránh. Cô lăn tăn về việc hơn anh 4 tuổi và anh lại là người nước ngoài, nhà cô ai cũng lo lắng nếu con làm dâu xứ lạ. 

Đầu năm 2016, chương trình học gần kết thúc, Thuận đứng giữa hai lựa chọn: hoặc về Việt Nam với vốn tiếng Nhật hiện tại rất dễ xin việc, nhưng phải chia tay, hoặc ở lại học trung cấp trường nghề. Cô quyết định "thử" Mochizuki để đưa ra quyết định cuối cùng.

"Em đang phân vân về Việt Nam xin việc hoặc học lên. Nếu học lên, em gặp khó khăn về học phí", cô nói. Anh liền hỏi: "Em thiếu bao nhiêu?". "500 nghìn yên (hơn 100 triệu đồng)", cô đáp. 

Mochizuki đăm chiêu. Hai hôm sau gặp lại anh nói: "Em ở lại học đi, anh cho mượn đóng học phí. Anh muốn ở bên em lâu hơn nữa". Việc anh bỏ ra gần nửa năm tiết kiệm để lo cho cô, Thuận biết anh trân trọng mình đến nhường nào. Lòng cô đã có câu trả lời nên về hay ở.

Thuận đưa mẹ chồng đi chơi khi về Việt Nam. Ảnh: M.T.

Tháng 4/2016, cô dẫn anh về nhà chơi. Bình thường Mochizuki vốn ít nói, nhưng khi về Việt Nam, anh như thành người khác. Vốn tiếng Việt bằng không, Mochizuki vẫn có thể ngồi hàng tiếng trò chuyện với bố vợ tương lai bằng tay chân. Đi đến thăm nhà họ hàng, anh luôn ôm chào tạm biệt. Sự chân thành của chàng trai Nhật khiến nhà gái yên tâm gửi gắm con gái.

Họ đăng ký kết hôn cuối năm đó. Tháng 9/2017, Thuận quay trở lại Nhật. Cha mẹ chồng lo con dâu chưa quen nếp sống ở đây nên giữ vợ chồng Thuận sống chung. Được ông bà yêu thương, đến giờ nàng dâu Việt không muốn ra sống riêng nữa. 

Muốn tự chủ tài chính nên Thuận nghỉ học trường nghề, chuyển sang làm việc toàn thời gian trong viện dưỡng lão. Cô cũng đang học lấy chứng chỉ hộ lý để phục vụ công việc tốt hơn.


Theo vnexpress